GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
LÚA GẠO
Thị trường lúa gạo thế giới
Trong báo cáo công bố ngày 8/2/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (United States Department of Agriculture – USDA), niên vụ 2022/2023 ước tính sản lượng gạo thế giới đạt 512,96 triệu tấn (giảm 0,03% so với niên vụ trước); tiêu thụ gạo thế giới đạt 519,89 triệu tấn (tăng 0,44%); xuất khẩu gạo thế giới (thương mại gạo giữa các quốc gia) đạt 54,28 triệu tấn (giảm 4,60%); dự trữ gạo tính tới cuối vụ đạt 176,35 triệu tấn (giảm 3,78%) (Hình 1).
Cũng theo USDA, trong niên vụ 2022/2023, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 20,25 triệu tấn (chiếm 38,77% tổng xuất khẩu gạo thế giới và giảm 8,08% so với niên vụ trước); Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai với 8,74 triệu tấn (chiếm 16,73% và tăng 13,80%); Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba với 8,23 triệu tấn (chiếm 15,76% và tăng 16,74%); Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư với 1,58 triệu tấn (chiếm 3,03% và giảm 32,48%)…
Thịt lợn
Theo báo cáo “Gia súc và gia cầm: thị trường và thương mại thế giới” công bố ngày 12/1/2024 của USDA, tổng đàn lợn trên thế giới tính tới cuối năm 2023 ước đạt 778,22 triệu con (giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2022) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt lợn (sau khi giết mổ và loại bỏ hầu hết các cơ quan nội tạng, đầu và da) toàn cầu năm 2023 ước đạt 115,22 triệu tấn (tăng 0,6% so với năm 2022).
Sản lượng thịt chủ yếu giảm mạnh ở châu Âu do môi trường chăn nuôi và sự gián đoạn thương mại liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, tiêu dùng yếu hơn và chi phí chăn nuôi tương đối cao. Trong khi tại Trung Quốc, nguồn cung lợn dồi dào, mức tiêu thụ thấp hơn năm 2022 khiến giá lợn hơi giảm, thị trường thịt lợn chịu áp lực… nên chăn nuôi lợn hầu như không có lợi nhuận trong năm 2023 (tình trạng này khiến cho trong năm 2023, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã có 3 lần thực hiện mua bổ sung thịt lợn vào kho dự trữ để kéo giá thịt lợn lên cao). Ước tính cơ cấu sản lượng thịt lợn của các nước trên thế giới năm 2023 như sau: Trung Quốc (48%), EU (20%), Mỹ (11%), Brazil (4%), Nga (4%), Việt Nam (3%), các nước còn lại chiếm 10%…
Thủy sản
Thị trường thủy sản thế giới
Theo số liệu của FAO, tổng sản lượng thủy sản toàn cầu năm 2023 ước đạt 185,4 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 1,4%; năm 2021 tăng 1,8%). Trong đó thủy sản khai thác trong tự nhiên đạt 89,6 triệu tấn (giảm 1,7% so với năm trước), chủ yếu do hạn ngạch đánh bắt giảm đối với một số loài cá thịt trắng cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Niño; thủy sản nuôi trồng đạt 95,8 triệu tấn (tăng 2,8% so với năm trước), chủ yếu do chi phí sản xuất tăng và tình trạng lạm phát đã cản trở hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Mức tiêu thụ thủy sản trung bình toàn cầu vẫn giữ nguyên như năm 2022 (ở mức 20,6 kg/người). Lý do chủ yếu là thu nhập khả dụng giảm, thực phẩm thủy sản phải chịu sự cạnh tranh về giá ngày càng tăng so với các nguồn protein khác. Đặc biệt ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, các sản phẩm thủy sản có giá cao hơn, doanh số bán hàng giảm do người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm giá rẻ hơn. Điều này được phản ánh rõ qua nhu cầu tiêu thụ suy yếu đối với các mặt hàng như cua tuyết và tôm hùm. Các sản phẩm khác (chẳng hạn như tôm…) đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, trong đó các nhà sản xuất phàn nàn về giá thấp mặc dù chi phí sản xuất cao hơn…
Cà phê
Thị trường cà phê thế giới
Theo báo cáo của USDA công bố ngày 20/12/2023, kết thúc niên vụ cà phê 2022/2023 (từ tháng 10/2022-9/2023), sản lượng cà phê thế giới đạt 164,53 triệu bao (tương đương 9.872 nghìn tấn), giảm 0,34% so với niên vụ 2021/2022; trong đó, sản lượng cà phê Arabica là 87,89 triệu bao (tương đương 5.273 nghìn tấn) tăng 0,83%; cà phê Robusta là 76,65 triệu bao (tương đương 4.599 nghìn tấn) giảm 1,64%, trong đó riêng sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm 4,18 triệu bao so với niên vụ 2021/2022 (xuống còn 26,3 triệu bao)… (Hình 9).
Trong niên vụ 2022/2023, tổng lượng cà phê tiêu thụ nội địa đạt 169,01 triệu bao (tương đương 10.141 nghìn tấn), tăng 0,65% so với niên vụ trước; tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt 134,49 triệu bao (tương đương 8.069 nghìn tấn), giảm 6,07%; tổng lượng cà phê dự trữ cuối vụ đạt 27,63 triệu bao (tương đương 1.658 nghìn tấn), giảm 15,80%…
Hạt điều
Thị trường hạt điều thế giới
Theo số liệu thống kê của Hội đồng hạt – Quả khô quốc tế (International Nut and Dried Fruit Council – INC), trong niên vụ 2022/2023 tổng sản lượng hạt điều thô toàn cầu ước đạt 4,475 triệu tấn (tăng 1,47% so với niên vụ 2021/2022); tổng sản lượng nhân điều toàn cầu ước đạt 1.010,0 nghìn tấn (tăng 1,0%); tổng lượng xuất khẩu nhân điều toàn cầu ước đạt 650 nghìn tấn (tăng 6,56%); tổng tiêu thụ lượng nhân điều toàn cầu ước đạt 92,0 nghìn tấn (tăng 5,14%) (Hình 11).
Thị trường hạt điều trong nước
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 diện tích trồng điều của Việt Nam ước tính đạt 301,1 nghìn ha, giảm 2,81% so với năm 2022; tổng sản lượng hạt điều thô ước tính đạt 343,3 nghìn tấn, tăng 4,41%.
Sản lượng hạt điều này chỉ đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu chế biến của gần 500 doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam. Do đó, năm 2023 Việt Nam phải nhập khẩu 2,768 triệu tấn hạt điều thô về để làm nguyên liệu chế biến với kim ngạch 3,193 tỷ USD, tăng 45,74% về khối lượng và tăng 19,21% về kim ngạch so với năm 2022…
Hạt tiêu
Thị trường hạt tiêu thế giới
Theo số liệu thống kê của Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (International Pepper Community – IPC), niên vụ 2022/2023 tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu ước đạt 520 nghìn tấn (tăng 4,42% so với niên vụ 2021/2022); tổng tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu ước đạt 530 nghìn tấn (tăng 2,12%); tổng tồn trữ hạt tiêu là 546 nghìn tấn (giảm 2,67%).
Năm 2023, giá bình quân hạt tiêu trắng trên thị trường thế giới đạt mức 5.425,6 USD/tấn (giảm 13,03% so với năm 2022); giá hạt tiêu đen đạt 3.622,0 USD/tấn (giảm 18,64%); giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 3.494,7 USD/tấn (giảm 17,36%). Nhìn chung, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới năm 2023 có xu hướng giảm từ tháng 1 – 5/2023, sau đó lại có xu hướng tăng rất rõ trong những tháng 6 – 12/2023…
Cao su tự nhiên
Thị trường cao su tự nhiên thế giới
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2023 tổng sản lượng cao su tự nhiên (sau đây gọi tắt là cao su) toàn cầu ước đạt 15.145 nghìn tấn (tăng 3,50% so với năm 2022); tổng tiêu thụ cao su toàn cầu ước đạt 15.438 nghìn tấn (giảm 0,46%); tổng lượng cao su tồn trữ tính đến cuối năm là 1.026 nghìn tấn (giảm 22,21%)…
Như vậy, trong suốt giai đoạn từ năm 2017-2020, tổng lượng cao su tồn trữ tính đến cuối mỗi năm đều tăng cao hơn so với năm trước; bắt đầu từ năm 2021, tổng lượng cao su tồn trữ tính đến cuối mỗi năm có xu hướng giảm. Do đó, từ những tháng đầu năm 2021, giá cao su thế giới được hỗ trợ xu thế tăng giá vững chắc hơn từ lượng cao su tồn trữ không bị tăng quá nhiều. Mặc dù vậy, giá cao su thế giới không biến động chỉ dựa trên tác động của diễn biến lượng cao su tồn trữ, mà còn phụ thuộc vào sự tác động của nhiều nhân tố khác…
GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP
Xăng dầu
Thị trường xăng dầu thế giới
Theo báo cáo công bố ngày 6/2/2024 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (Energy Information Administration – EIA), năm 2023, tổng sản lượng sản xuất dầu thô toàn cầu đạt 101,75 triệu thùng/ngày (tăng 1,76% so với năm 2022); tổng tiêu thụ dầu thô toàn cầu đạt 101,00 triệu thùng/ngày (tăng 1,87%); tổng lượng tồn trữ dầu thô tính tới cuối năm 2023 là 3.716 triệu thùng (tăng 6,44% so với lượng tồn trữ dầu thô tính tới cuối năm 2022)…
Điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ước năm 2023 sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của Việt Nam là 280,6 tỷ kwh (tăng 4,56% so với năm 2022); Trong đó, điện sản xuất và mua trong nước đạt 271,1 tỷ kWh, tăng 3,45% so năm 2022 (chia ra: điện sản xuất của các nhà máy điện thuộc Công ty mẹ EVN chiếm 14,7%, các GENCO chiếm 27,8%, mua của các nguồn ngoài chiếm 57,4%). Sản lượng điện thương phẩm là 251,25 tỷ kwh (tăng 3,52% so với năm 2022).
Trong đó: thành phần công nghiệp – xây dựng chiếm 50,85% (giảm 2,23% so với năm 2022); quản lý tiêu dùng chiếm 36,08% (tăng 12,88%); thương nghiệp, khách sạn nhà hàng chiếm 5,35% (tăng 12,33%); nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3,61% (tăng 8,12%) và các thành phần khác chiếm 4,12% (tăng trưởng 2,46%). Nhìn chung, ngành điện đã đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước (Hình 23).
Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 80.555MW, tăng gần 2.800MW (tương đương 3,60%) so với cuối năm 2022. Trong đó: tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) là 21.664MW, tăng 664MW, tương đương 3,16% so với năm 2022 (chiếm tỷ trọng 26,9% trong hệ thống); thủy điện là 22.872 MW (chiếm tỷ trọng 28,4%); nhiệt điện than là 26.757 MW (chiếm tỷ trọng 33,2%); nhiệt điện khí 7.160 MW (chiếm tỷ trọng 8,9%)…
Sắt thép
Thị trường sắt thép thế giới
Theo Hiệp hội thép Thế giới (World Steel Association – WSA), năm 2023 tổng sản lượng thép thô toàn cầu ước đạt 1.850 triệu tấn (giảm 0,11% so với năm 2022); tổng tiêu thụ thép thô toàn cầu ước đạt 1.815 triệu tấn (tăng 1,80%)…
Trong năm 2023, từ tháng 1-3/2023 giá quặng sắt có xu hướng tăng khá mạnh, từ tháng 4-6/2023 giá quặng sắt lại có xu hướng giảm mạnh, từ tháng 7-12/2023 giá lại có xu hướng tăng; kết quả là giá quặng sắt bình quân năm 2023 đạt 120,32 USD/tấn, giảm 0,81% so với năm trước (năm 2022 giảm 24,99%). Từ tháng 1-3/2023 giá thép cuộn cán nóng có xu hướng tăng khá mạnh, từ tháng 4-6/2023 giá thép lại có dấu hiệu giảm mạnh, tháng 7-12/2023 giá lại biến động theo xu hướng tăng nhẹ; kết quả là giá thép cuộn cán nóng bình quân năm 2023 đạt 4.025 CNY/tấn giảm 8,69% so với năm trước (năm 2022 giảm 17,13%)…
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam