Giao dịch yếu ớt kéo dài trong phiên hôm nay nhanh chóng chuyển thành một đợt bán tháo khá hoảng. VN-Index bốc hơi hơn 14 điểm (-1,12%) trong khoảng 45 phút trước khi bật nhẹ lên những phút cuối. Dòng tiền bắt đáy có tín hiệu nhập cuộc khi đáy sâu nhất của chỉ số đã chạm tới vùng đáy của nhịp giảm đầu tháng 10.
VN-Index đóng cửa còn giảm 9,88 điểm tương đương -0,77%. Mức phục hồi như vậy cũng không quá nhiều, đồng thời cũng chỉ diễn ra trong 5 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC. Dù vậy thị trường vẫn cho thấy có phản ứng ở vùng đáy ngắn hạn gần nhất.
3 phiên điều chỉnh liên tiếp này cường độ gần tương đương 4 phiên điều chỉnh đầu tháng 10 và tạo đáy ngắn hạn ở điểm sâu nhất là 1264,65 điểm ngày 7/10. Đáy sâu nhất của VN-Index hôm nay là 1265,44 điểm. Mức đóng cửa hôm nay là 1269,89 điểm cũng tương đương mức đóng cửa ngày 7/10 (1269,93 điểm).
Nhịp lao dốc này khởi động từ khoảng 2h chiều và hơn 209 triệu cổ phiếu được sang tay, chiếm 29% tổng khối lượng khớp lệnh cả ngày trên sàn HoSE, chưa tính đợt ATC. Đây là mức độ tập trung thanh khoản khá lớn và giá cổ phiếu chịu sức ép rất mạnh. Đại đa số cổ phiếu tạo giá thấp nhất trong thời gian này trước khi có cầu bắt đáy mua vào.
Đợt bán này khả năng cao là kết quả của sự thất vọng khi thị trường không thể đột phá được vùng đỉnh 1300 điểm dù kết quả kinh doanh xuất hiện dồn dập. Nhà đầu tư bắt đầu cắt giảm danh mục để tránh suy giảm lợi nhuận. Mặt khác, đại đa số các giao dịch ngắn hạn T+ vừa qua cũng rất khó có lời.
Nhiều cổ phiếu lớn giảm đột ngột trong thời gian ngắn là nguyên nhân VN-Index gần như rơi tự do: MSN bốc hơi 2,12% so với tham chiếu, HPG giảm 0,94%, CTG giảm 1,97%, BID giảm 1,91%, FPT giảm 1,85%, VPB giảm 1,69%, GVR sàn. Thậm chí VIC, VCB, TCB cũng đỏ trong thời gian này. Lực cầu bắt đáy sau đó có kéo giá hồi lại, VN30-Index từ chỗ giảm 1,03% còn -0,67% lúc đóng cửa. Rổ VN30 cũng chỉ còn 7 mã đóng cửa tại giá thấp nhất, còn lại đều có phục hồi, trong đó 8 mã phục hồi hơn 1% so với giá đáy.
Rổ VN30 có 5 cổ phiếu còn xanh lúc đóng cửa, trong đó VHM khá nhất tăng 0,94%. Ngoài ra MWG cuối phiên được kéo tăng 0,76% đợt ATC. VHM thực tế vẫn có một nhịp dao động khá mạnh trong khoảng 5 phút cuối của nhịp giảm trên VN-Index. Giá trụ này rơi từ 48.550 đồng xuống 47.800 đồng, tuy không đỏ nhưng cũng là thay đổi -1,54%, ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số.
Dòng tiền bắt đáy vào đẩy giá lên khá hạn chế nếu nhìn từ mức phục hồi của VN-Index (+0,35%). Tuy nhiên cổ phiếu có biên độ tốt hơn. Thống kê sàn HoSE có xấp xỉ 42% số cổ phiếu đạt biên độ phục hồi hơn 1% so với giá thấp nhất, khoảng 20,3% phục hồi từ 2% trở lên. Dù vậy độ rộng cuối ngày của VN-Index vẫn rất tệ với 107 mã tăng/269 mã giảm. Tại đáy lúc 2h25, độ rộng là 73 mã tăng/313 mã giảm. Như vậy cũng chỉ vài chục cổ phiếu phục hồi đủ nhiều để đảo chiều đổi màu giá.
Sàn HoSE kết phiên vẫn còn 109 cổ phiếu giảm trên 1%, trong đó 48 mã giảm trên 2%. Rất nhiều mã xuất hiện thanh khoản lớn, xác nhận có lực xả mạnh. FPT, MSN, TPB, MBB, VIB, DGC, HCM, CTG, ACB là những cổ phiếu nổi bật, đều khớp trên 300 tỷ đồng mỗi mã.
Ở phía tăng giá, VHM lại không phải là cổ phiếu đáng chú ý nhất. Trong 107 mã xanh, vẫn có 58 mã tăng hơn 1%. Thanh khoản rất tốt xuất hiện tại EIB với 621,3 tỷ đồng, giá tăng 3,85%; HDC với 214 tỷ, giá tăng 3,82%; ORS với 195,6 tỷ, giá tăng 2,84%; PDR với 172,7 tỷ, giá tăng 1,46%; CTD với 140,5 tỷ, giá tăng 3,23%… Nhóm TCH, EVF, CSV, GMD, NHA, DPG, BFC cũng đi ngược dòng mạnh mẽ với thanh khoản khá cao.
Về tổng thể độ rộng thể hiện đà giảm giá áp đảo hôm nay và rất nhiều cổ phiếu giảm sâu. Lực bán rõ ràng là thắng thế và cầu bắt đáy chỉ xuất hiện khi biên độ giá mở rất rộng. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường bước vào mua báo cáo tài chính quý 3 và bất kể cổ phiếu có kết quả kinh doanh nào cũng chịu tác động. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn tăng trên 30% so với hôm qua, đạt 18.532 tỷ đồng, cao nhất 13 phiên và tăng khoảng 24% so với trung bình 10 phiên liền trước. Điều này cũng cho thấy dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực hơn đáng kể.