Được biết, Bộ Công Thương đang tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 01/2018/TT-BCT quy định chi tiết hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân (Thông thư 01) và Thông tư 02/2018/TT-BCT quy định chi tiết danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới (Thông tư 02).
Góp ý trong đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 02, VCCI cho biết đã khảo sát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tỉnh Tây Ninh đang trồng mía tại các tỉnh giáp biên Campuchia. Theo các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, mặt hàng mía đang là lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia.
Hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân tỉnh Tây Ninh đang trồng mía tại các tỉnh giáp biên với tổng diện tích là 7.000ha, sản lượng dự kiến thu vụ 2024-2025 là 350.000 tấn. Sau thu hoạch, các thương nhân này cần đưa mía về Tây Ninh để tiếp tục quá trình chế biến sâu thông qua các cửa khẩu.
Tuy nhiên, việc vận chuyển qua cửa khẩu gặp phải khó khăn khi khoảng cách vận chuyển mía từ địa điểm ruộng mía đến cửa khẩu chính rất xa, phát sinh chi phí vận chuyển rất lớn.
Trong khi đó, mía cây chưa thuộc danh mục hàng hoá mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Thông tư 01. Vì vậy, việc vận chuyển qua cửa khẩu phụ (có đẩy đủ lực lượng chức năng quản lý) gặp khó khăn.
Do đó, qua phản ánh trên, VCCI đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc bổ sung mặt hàng mía cây vào danh mục hàng hoá được phép mua bán, trao đổi của thương nhân tại Thông tư 01.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 6.400 ha trồng mía, tăng hơn 10% so với năm 2022, chủ yếu tập trung tại huyện Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu.
Năng suất mía ước tính đạt từ 70 – 80 tấn/ha. Hiện nay, người trồng đã ứng dụng cơ giới hóa gần như 100% từ khâu làm đất, trồng đến chăm sóc. Riêng khâu thu hoạch hiện đã có ít nhất 70% người dân áp dụng thu hoạch bằng máy.