* Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của vận tải đường bộ trong chuỗi cung ứng bền vững tại Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam?
– Vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng trong các mô hình sản xuất và thương mại, các công ty tại khu vực cần tìm những phương thức vận chuyển linh hoạt và hiệu quả để đảm bảo dòng chảy hàng hóa ổn định.
Việt Nam, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, không chỉ là trung tâm sản xuất quan trọng mà còn là cầu nối giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam dẫn đầu trong phát triển vận tải đường bộ, đặc biệt khi kết hợp với các phương thức vận chuyển khác như đường sắt và đường biển.
* Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Vậy Việt Nam có thể tận dụng lợi thế gì từ việc kết nối đa phương thức vận tải để củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
– Việt Nam hiện đang nổi bật tại khu vực Đông Nam Á với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng manh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 16 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đạt 440 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất khu vực. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 24 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để nâng cao vị thế trong trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần tận dụng kết nối đa phương thức vận tải. Sự kết hợp vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển giúp tăng tính linh hoạt và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cao tốc hiện đại và cảng lớn sẽ giúp Việt Nam duy trì và mở rộng vị thế trên bản đồ thương mại quốc tế. Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải sẽ cải thiện chuỗi cung ứng nội địa và tăng cường kết nối với các thị trường quốc tế, từ đó củng cố vị thế toàn cầu.
* Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các tuyến đường cao tốc. Liệu những cải cách này có giúp đẩy mạnh vận tải đường bộ và nâng cao hiệu quả logistics không, thưa ông?
– Chắc chắn rồi. Chính phủ Việt Nam đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc. Hiện đã có gần 2.100 km đường cao tốc hoàn thành và mục tiêu là đạt thêm 3.000 km vào năm 2025. Những cải cách này sẽ tạo ra hệ thống giao thông vận tải thông suốt, giúp tăng tốc độ và hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Điều này rất quan trọng khi các công ty cần vận chuyển nhanh chóng và linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Ông có thể chia sẻ về các thách thức và cơ hội khi vận tải đường bộ chuyển đổi sang mô hình bền vững hơn tại khu vực Đông Nam Á?
– Vận tải đường bộ bền vững đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn. Chuyển đổi công nghệ từ nhiên liệu truyền thống sang các phương tiện thân thiện với môi trường như xe tải điện và nhiên liệu sinh học là một trong những thách thức chính.
Tuy nhiên, cơ hội để giảm thiểu khí thải CO2 và tăng cường sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy các sáng kiến bền vững là rất lớn. DHL đã triển khai đội xe điện tại Thái Lan, giúp giảm 85.000 kg khí thải CO2 mỗi năm. Đây là ví dụ điển hình về sức mạnh của sự hợp tác trong ngành, tạo ra thay đổi lớn và hướng tới mục tiêu vận tải bền vững.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!