Lê Văn Trung sinh ngày 10/10/1876 tại làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, huyện Phước Lộc, hạt Tân An (nay thuộc xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ông mồ côi cha từ năm 2 tuổi, được thân mẫu nuôi dưỡng đến khi khôn lớn.
Tranh cử nghị viên
Theo miêu tả của Nguyễn Liên Phong trong Điểu cổ hạ kim thi tập thì Lê Văn Trung là người có hình dáng đẹp đẽ, cân đối, tánh tình hòa nhã nhưng rất cương quyết, ái mộ Nho học. Đưới sự giáo dục của thân mẫu cùng với chí tiến thủ nên Lê Văn Trung luôn nỗ lực học tập, thi đỗ vào Trường Lycée Chasseloup Laubat Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) và tốt nghiệp trường này vào năm 1894 khi mới 18 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Lê Văn Trung được nhận vào làm thư ký tại dinh Thống đốc Nam kỳ vào ngày 14/7/1894 suốt 12 năm và thôi việc vào ngày 6/3/1906 để theo đuổi sự nghiệp chính trường. Chẳng bao lâu sau khi từ chức thư ký tại dinh Thống đốc Nam kỳ, Lê Văn Trung tự ứng cử chức Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Năm 1919, công ty của Lê Văn Trung được biết đến là doanh nghiệp sản xuất giấy lớn nhất của người Việt xứ Nam kỳ Lục tỉnh với máy móc được nhập từ Pháp.
Trong thời gian ứng cử, ông nói, đại ý, cái ma lực buộc người hay có xa vọng về chánh trị nó mạnh lạ thường. Tranh cử phải tốn nhiều tiền, vậy mà tiền không, thế lực nỏ có, thì tranh cử cái gì, mà tôi cũng xin thôi việc quan đặng ra tranh cử.
Giữa năm 1906, Lê Văn Trung đắc cử chức Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ lần thứ nhất. Từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị liên tục 8 năm ở cương vị nghị viên đại diện cho các tỉnh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Công, Tây Ninh. Trong thời gian làm Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ, Lê Văn Trung luôn là người thẳng thắn bàn luận những việc ích nước lợi dân và luôn thể hiện sự quan tâm mở mang dân trí cho người dân Lục tỉnh. Đồng thời, Lê Văn Trung còn luôn bênh vực quyền lợi của người dân thuộc địa bản xứ.
Vận động lập trường học cho phụ nữ bản xứ
Khi thế lực chính trị ngày càng tăng, năm 1911, Lê Văn Trung quyết định hợp sức cùng một số trí thức và nhân vật có ảnh hưởng tại Sài Gòn, trong đó có vợ Tổng đốc Đỗ Hữu Phương vận động, quyên góp tiền bạc và đề nghị Chính phủ Pháp lập trường nữ sinh cho phụ nữ bản xứ với tên gọi College des Jeunes Filles (sau đổi tên thành Trường Gia Long và ngày nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Việc thành lập trường nữ sinh cho phụ nữ bản xứ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội Việt Nam đương thời. Bởi lúc bấy giờ, việc đề xướng nữ học, lập trường nữ học để giáo dục phụ nữ người Việt là chưa từng có và là hành động táo bạo bởi lúc bấy giờ việc giáo dục chỉ tập trung ở nam giới là chính.
Mặc dù Chính phủ Pháp lúc bấy giờ không phản đối cuộc vận động lập trường nữ sinh của Lê Văn Trung nhưng họ lại thấy việc này chưa hợp thời, lại trái với phong tục trước đây của người Việt nên không chịu xuất chi phí để xây trường mà chỉ để những người khởi xướng tự đóng góp. Vì vậy, Lê Văn Trung đã mượn danh tiếng của vợ Tổng đốc Đỗ Hữu Phương kêu gọi những người giàu có tại Sài Gòn cùng nhau quyên góp xây dựng trường nữ sinh Gia Long. Hiện nay, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vẫn còn tấm bia kỷ niệm ghi tên hai vị sáng lập là bà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương và ông Hội đồng Quản hạt Lê Văn Trung.
Sự nghiệp chính trị thăng tiến cùng danh tiếng ngày càng cao nên vào ngày 18/5/1912, Lê Văn Trung được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ vì những đóp góp của ông cho xứ Nam kỳ Lục tỉnh. Đến ngày 10/12/1914, Lê Văn Trung được Chính phủ Pháp đề cử làm Nghị viên Hội đồng Soái phủ Đông Dương, thường gọi là Hội đồng Thượng nghị viện Đông Dương. Đồng thời, nhà cầm quyền Pháp còn mở hội Thượng nghị viện tại Bắc kỳ và mời ông đi cùng với Nguyên soái Gourbeil ra Bắc bàn việc nước. Quan thống soái Bắc kỳ, Trung kỳ và Đại thần triều đình Huế Hoàng Cao Khải, Trương Văn Cường ngợi khen ông Lê Văn Trung là người uyên bác và rất lễ nghĩa.
Lập doanh nghiệp sản xuất giấy
Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918), Lê Văn Trung tham gia Ủy ban Xây đền tưởng niệm người Việt hy sinh trong chiến tranh. Năm 1916, ông còn đề xuất ý tưởng xây dựng nhà Maison des Annamite, sau này là trụ sở của Hội Đức trí thể dục Nam kỳ (SAMIPIC). Cũng trong thời gian này, ông cùng em trai là Lê Văn Diệu và vợ là Đới Thị Hậu bắt đầu kinh doanh tại Chợ Lớn với mục tiêu tham gia vào sự đại thương của dân tộc và cạnh tranh với người ngoại quốc.
Theo đó, vào năm 1919, sau khi rời xa chính trường, Lê Văn Trung thành lập Công ty Giấy Nam kỳ (Manufacture Conchinchinoise de Papier) có trụ sở ở số 22 Quai Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, Chợ Lớn) và ông còn cho xây dựng một xưởng làm giấy tại Thủ Đức.
Theo Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 1919 của người Pháp, nhà máy giấy của Công ty Giấy Nam kỳ do ông Lê Văn Trung làm quản lý nghị sự sản xuất từ 1 đến 2 tấn giấy mỗi ngày từ rơm rạ, bao tải, dây thừng cũ, bã mía, giẻ lau và gỗ thải. Sản phẩm chủ yếu của Công ty Giấy Nam kỳ là bìa cứng và giấy các loại theo nhu cầu của thị trường Đông Dương lúc bấy giờ. Công ty làm ăn phát đạt, được biết đến là doanh nghiệp sản xuất giấy lớn nhất của người Việt xứ Nam kỳ Lục tỉnh với máy móc được nhập từ Pháp. Sản phẩm của Công ty còn cạnh tranh trực tiếp với các loại giấy do người Hoa sản xuất và buôn bán trên thị trường Việt Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1924, Công ty Giấy Nam kỳ gặp phải nhiều khó khăn, bế tắc và rơi vào thua lỗ. Công việc kinh doanh không thành công đã khiến Lê Văn Trung lâm vào trầm cảm, ông bắt đầu hút thuốc phiện và dẫn đế việc sức khỏe dần yếu đi. Chính điều này đã dẫn đến việc Công ty Giấy Nam kỳ và nhà máy sản xuất giấy của Công ty tại Thủ Đức ngừng hoạt động, máy móc không ai chăm sóc và dần bị tư sản người Pháp, người Hoa thâu tóm. Đến năm 1926, Công ty giấy Nam kỳ của Lê Văn Trung chính thức ngừng kinh doanh.
—————————————————
Kỳ 2: Người sáng lập đạo Cao Đài