Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024, trong đó Việt Nam vẫn có 6 gương mặt quen thuộc gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast) cùng 4 đại gia khác và nữ Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tốc độ tăng tài sản tăng mạnh thứ hai, thêm 600 triệu USD lên 2,8 tỷ USD, chỉ xếp sau Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long và gấp 6 lần mức tăng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.
Sự khởi sắc của ngành du lịch và hàng không cùng những tín hiệu tích cực từ lĩnh vực bất động sản đã giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vững ngôi vị nữ doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và số 3 tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp sau nữ tỷ phú Dewi Kam (4,5 tỷ USD) của Indonesia và Somurai Jaruphnit (3,1 tỷ USD) của Thái Lan.
Dewi Kam có khối tài sản tăng mạnh nhờ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp khai khoáng Bayan Resources. Còn nữ tỷ phú Somurai Jaruphnit nắm 8,42% cổ phần trong công ty mẹ của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP), một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật nuôi lớn nhất thế giới.
Một điểm đáng lưu ý là theo bảng xếp hạng thời gian thực, Forbes không xác định vị trí của bà Nguyễn Thị Phương Thảo trên bảng xếp hạng thế giới, thay vào đó chỉ ghi nhận tổng giá trị tài sản của bà Thảo cho năm 2024 (công bố hôm 2/4) là 2,8 tỷ USD.
Trong khi đó, theo thời gian thực, nữ tỷ phú Dewi Kam có 4,3 tỷ USD (giảm 200 triệu USD theo danh sách 2024 vừa công bố) và xếp thứ 742 trên thế giới. Còn nữ tỷ phú Somurai Jaruphnit có tài sản 3 tỷ USD và xếp thứ 1.124.
Hồi đầu tháng 3/2023, trong khoảng một tuần, Forbes dừng cập nhật tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh năm 2022, VietJet của tỷ phú Phương Thảo lần đầu báo lỗ hơn 2.000 tỷ đồng dù doanh thu tăng vọt nhờ vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch.
Giữa tháng 3/2023, Forbes đã cập nhật trực tiếp trở lại tài sản bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Chia sẻ với VietNamNet khi đó, bà Nguyễn Lan Anh, đại diện Forbes khu vực châu Á, cho hay, trang cập nhật trực tiếp tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo bị lỗi.
Du lịch, hàng không hồi phục; bất động sản ấm dần
Sovico Group của nhà bà Thảo là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực về tài chính – ngân hàng (HDBank, HD Saison), hàng không (Vietjet), bất động sản (Phú Long), bất động sản nghỉ dưỡng, năng lượng…
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch đầu tháng 4 vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với thông tin với tăng trưởng mạnh mẽ mạng bay quốc tế và lợi nhuận từ vận tải hàng không đạt khá.
Trong năm 2023, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 231 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 2.262 tỷ đồng trong năm 2022. Doanh thu hợp nhất đạt 58,3 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2022.
Vietjet tiếp tục duy trì, phát triển mạng bay nội địa và tập trung nguồn lực mở rộng bay quốc tế. Tổng cộng, có thêm 33 đường bay quốc tế và quốc nội mới, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh – HDBank (nơi bà Thảo làm phó chủ tịch), tình hình hoạt động cũng khá tốt, với lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng gần 27%. Nợ xấu khá thấp, với 1,5%.
Còn Sovico Group ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 1.485 tỷ đồng trong năm 2023. Tổng tài sản Sovico Group đạt hơn 187 nghìn tỷ đồng. Quy mô tài sản của Sovico tăng mạnh từ cuối năm 2022 sau khi hợp nhất các hoạt động kinh doanh, tài chính, bảo hiểm, hàng không, phát triển đô thị.
Trong năm 2023, ngành du lịch và hàng không đã hồi phục. Vietjet của bà Thảo được hưởng lợi khi lượng người và hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không gia tăng. Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không tăng khá mạnh.
Giá vé máy bay tăng cũng góp phần đẩy doanh thu của các hãng không lên cao. Tình trạng này có tín hiệu lặp lại, nhất là dịp cao điểm hè sắp tới, khi ngành hàng không đang thiếu máy bay trầm trọng.
Hãng hàng không Bamboo Airways gần đây tái cấu trúc và giảm quy mô đội tàu bay. Còn Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn chiếc nào để khai thác. Bên cạnh đó, nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney từ đầu năm đã triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu, khiến Vietnam Airlines và Vietjet thiếu hụt hơn 40 chiếc dòng A321 NEO.