Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Đồng thời phát huy vai trò của các cấp chính quyền, sở, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vận động và phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, kế hoạch xác định các chỉ tiêu cụ thể: Đảm bảo 100% hồ sơ đối tượng được giải quyết đúng thời gian quy định theo Pháp lệnh ưu đãi người có công; đảm bảo 100% phường, xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc gia đình chính sách có công; phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách có công đang hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống bình quân của khu dân cư nơi cư trú. Thành phố hướng tới cơ bản không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.
Cùng với đó, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất sẽ được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội; điều chỉnh mức trợ cấp xã hội phù hợp với khả năng ngân sách.
Đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố. Đến năm 2030, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Mặt khác, TP.HCM sẽ đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước; phấn đấu đến cuối năm 2030, giải quyết việc làm bình quân mỗi năm cho 300.000 lượt người.
Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2030, 100% bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức hoàn thiện và đáp ứng năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ các vấn đề khẩn cấp về tâm thần cho người dân Thành phố; 100% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; 100% người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 100%…
Bên cạnh đó, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, sạt lở; phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26,5 m2/người; tiếp tục nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp chỉ số giá tiêu dùng hằng năm (CPI) và khả năng đáp ứng của ngân sách Thành phố.
Để thực hiện kế hoạch, TP.HCM đề ra các nhiệm vụ như sau: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Cạnh đó, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, Thành phố đề ra việc cần thiết nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam TP.HCM, các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát, phản biện thực hiện chính sách xã hội.