Tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) sáng 14/11, HĐND TP.HCM khóa X đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP.HCM.
Việc Nghị quyết này được thông qua sẽ tạo bước tiến quan trọng cho TP.HCM lập môi trường thử nghiệm có kiểm soát, đánh giá rủi ro và hiệu quả của các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng thời giải quyết những vướng mắc pháp lý, hạn chế rủi ro trong việc thương mại hóa sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Theo đó, đối với phương tiện bay không người lái, TP.HCM đưa ra các tiêu chí cơ bản và thông số kỹ thuật gồm: sải cánh, thân dài tối đa 1,57 m và chiều cao tối đa 71,5 cm. Trọng lượng cất cánh tối đa 70 kg. Tốc độ bay tối đa 100 km/h. Độ cao bay tối đa không quá 200 m. Phạm vi bay trong khu vực thử nghiệm.
Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM cũng đồng ý cho phép xe tự hành tham gia thử nghiệm có tốc độ tối đa 20 km/h, hệ thống điều khiển từ xa của phương tiện cần hiển thị các thông tin hành trình như chế độ, thời gian, điện áp pin, vệ tinh, tốc độ di chuyển.
Cả hai loại phương tiện này được phép thử nghiệm trong khung giờ 7h – 17h hằng ngày, trong điều kiện thời tiết không mưa hoặc mưa nhẹ, gió không quá 10m/s.
Thông qua việc cho phép thử nghiệm drone và xe tự hành ở TP.HCM sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh, trật tự, cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy, logistics, vận tải hành khách, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường đến nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, các đại biểu HĐND TP.HCM còn quan tâm đến vấn đề an toàn, đặc biệt là đối với drone bay với tốc độ cao.
Trả lời cho vấn đề trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng giải trình rằng các tiêu chí được đưa ra dựa trên sự tham khảo từ các quốc gia phát triển về drone và xe tự hành, đồng thời được lấy ý kiến từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước.
“Các thông số được đưa ra phù hợp với thí điểm. Sáng tạo không có nghĩa là chúng ta cho phép làm gì cũng được mà phải kiểm soát rủi ro”, ông Dũng nói.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói việc thí điểm có kiểm soát là nội dung địa phương nhìn ra vấn đề và xin cơ chế, chính sách đặc thù. Quá trình này, địa phương đã trao đổi, xin ý kiến các cơ quan Trung ương để đi tiên phong trong vấn đề thí điểm có kiểm soát.
Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng nhắc lại lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội XIV của Đảng, khẳng định tầm quan trọng của việc lấy khoa học, công nghệ làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro trong việc phát triển khoa học công nghệ.
Mặt khác, để phục vụ cho việc thử nghiệm, TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 5,76 tỷ đồng, trong đó 4,8 tỷ đồng sẽ dành cho cơ sở vật chất như hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, hạ tầng liên lạc, kiểm soát và thiết bị cứu hộ tại các khu vực thử nghiệm.
Ngân sách cũng hỗ trợ thành lập Hội đồng tư vấn để đánh giá kết quả thử nghiệm và hỗ trợ các thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn đề xuất thử nghiệm phương tiện bay không người lái tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, trong khi vị trí thử nghiệm xe tự hành tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Sau phần giải trình, HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua Nghị quyết này và chính sách thí điểm có kiểm soát sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 24/11.