Đây là thông tin vừa được Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) công bố trong “Báo cáo Kinh tế TP.HCM: Phục hồi và Thách thức” với sự hợp tác của Tổng cục Thống kê TP. HCM vào ngày 29/7.
Báo cáo cho biết, hiện nay hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đang trên đà hồi phục, kỳ vọng đem lại nhiều thuận lợi cho hoạt động quốc tế của nước ta. Ước tính trong hai quý đầu năm 2024, GDP của Việt Nam lần lượt tăng trưởng lên 5,66% và 6,93% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên mức triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong khoảng từ 5,5-6% so với báo cáo đã đưa ra vào đầu năm 2024. Những dự báo này phản ánh quan ngại của các tổ chức quốc tế về các khó khăn nội tại mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt.
Sự phục hồi tổng cầu tại TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ tăng trưởng tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 558 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,6% của cả nước.
Ngoài ra các yếu tố tăng trưởng như xuất khẩu hay Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn chưa được cao so với giá trị của các năm 2019-2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tại TP. HCM chưa tận dụng hiệu quả sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tuy ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ của khu vực ngoài nhà nước lên 3,8%, chiếm 68.6% tổng vốn nhưng lại chứng kiến sự sụt giảm của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài xuống 10,3% và chỉ còn chiếm khoảng 10,8% tổng nguồn vốn.
Giai đoạn này TP. HCM ghi nhận 33.824 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng tăng khiêm tốn so với 6 tháng đầu năm 2023. Số dự án FDI cấp mới đạt 597, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng hồi phục ổn định và gần trở lại mức của các năm 2019 và 2020 sau khi giảm sâu vào năm 2021.
Kiến nghị
-Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất trong nước giảm trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. HCM cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quảng bá sản phẩm và thị trường, rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
-Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp phải được theo dõi một cách chặt chẽ để kịp thời đưa ra chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hai thị trường chính hiện tại là Mỹ và Trung Quốc bằng cách tìm phương án và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu ở các khu vực khác trên thế giới.
-Phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít tài sản cầm cố sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. TP. HCM cần tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận tín dụng.
-Tiếp tục gia tăng cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Bên cạnh đó, cần phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm. Điều này góp phần rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng và TP. HCM triển khai hiệu quả các giải pháp, thì TP. HCM có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5% trong cả năm 2024. Hơn nữa, để nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn, TP. HCM cần tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa.