Quyền của giáo viên đang bị “xem nhẹ”?

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn Bắc Giang cho rằng mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 06 năm 2019 quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Song, nội dung còn chung chung chưa quy định cụ thể các chủ thể trong mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh được làm gì và không được làm gì.

Ông Tuấn nhắc đến thực tế là nhiều giáo viên luôn cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có rất nhiều quyền, còn quyền của giáo viên chỉ là hình thức nên bất lực khi học sinh không tích cực, thiếu tinh thần tự giác học tập, thiếu lễ phép, tôn trọng thầy giáo, cô giáo.

“Trong một số trường hợp giáo viên thấy cần thực hiện một số biện pháp thực sự nghiêm khắc cũng rất khó. Phần vì không có quy định cụ thể, phần vì e ngại có thể phải đối diện với phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện và đe dọa”, đại biểu nêu.

Theo đại biểu, hậu quả là không ít thầy giáo, cô giáo đã lựa chọn cách ứng xử tiêu cực, đó là nhẫn nhịn, buông xuôi, làm việc cầm chừng, không phát huy hết năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mình trong giảng dạy.

Lâu dần nhiều thầy giáo, cô giáo trở nên chán nản, bởi bên cạnh áp lực ngày càng cao do yêu cầu về số lượng, chất lượng công việc còn chịu áp lực vì cảm thấy không được thực sự tự chủ trong công việc, thiếu sự tôn trọng, hợp tác, chia sẻ của học sinh và cha mẹ học sinh.

Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới có không ít giáo viên muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm ngay cả trong bối cảnh nhiều trường cũng còn thiếu giáo viên.

Đề cập đến Điều 11, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị xem xét bổ sung quy định về nhà giáo không được tiết lộ thông tin cá nhân của người học.

Ví dụ, như chia sẻ điểm số của người học lên mạng xã hội, điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của người học mà còn có thể gây ra áp lực tâm lý cho các em hoặc bình luận về những khuyết điểm của người học trước lớp, điều này làm tổn thương lòng tự trọng của người học hoặc tiết lộ thông tin về bệnh tật của người học, việc này có thể khiến cho người học bị kỳ thị.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm, danh dự trên không gian mạng.

Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo.

Cụ thể, tại điểm b mục 3 trong Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

Theo bà Hà, quy định này không vướng các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực cho các nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo, tránh tình trạng “một vài con sâu mà làm rầu nồi canh”.

Ngoài ra, nội dung quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định…

Ngoài ra, tại dự thảo luật ở khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Đại biểu đề xuất, bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác. Các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Điều 26 đánh giá nhà giáo cần phải quy định lấy ý kiến người học, cha mẹ học sinh theo phương thức đánh giá kín, chỉ người đánh giá và người quản lý biết được kết quả đánh giá.

Đồng thời để bảo vệ danh dự nhà giáo, những thông tin đánh giá, những hình ảnh giám sát xã hội đối với nhà giáo không được phát tán, lan truyền.

Do vậy, cần cấm đưa thông tin nhà giáo lên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông khi chưa được sự đồng ý của nhà giáo hoặc chưa cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *