Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 10 ước đạt hơn 36,2 nghìn tỷ đồng, giảm 49% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó, ngành Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất 48%, theo số liệu từ Chứng khoán MBS.
Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng gồm: LPB 2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,4%, VIB 2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,05%, EIB 1,7 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,3%.
Sau 2 tháng vắng bóng, ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng đã quay trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng trị giá đạt 620 tỷ đồng, lãi suất bình quân xấp xỉ 10,5%/năm. Theo đó, giúp nâng tổng trị giá phát hành lũy kế của ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng trong 10 tháng năm 2024 lên khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng tăng 967% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã vượt tổng mức phát hành trong năm 2023 khi đạt hơn 336,6 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 10 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 263 nghìn tỷ, tăng 154% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,2 năm. Các Ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB 31,8 nghìn tỷ đồng, Techcombank 26,9 nghìn tỷ đồng, OCB 26,7 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới hết tháng 10, tín dụng tăng 10.08%, cao hơn so với mức 7,4% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Tổng giá trị phát hành của nhóm Bất động sản đạt khoảng 56,1 nghìn tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 11,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,6 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty CP Vinhomes 14,5 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 10 nghìn tỷ đồng và Công ty TNHH ĐT và PT BĐS Hải Đăng 5,4 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 10, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với tháng trước, trong đó Ngân hàng chiếm 72%, nhóm Bất động sản chiếm 22%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 161,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 17% so với cùng kỳ.
Tình hình chậm trả có những diễn biến tích cực khi không ghi nhận trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nào phát sinh mới trong 2 tháng liên tiếp tháng 9 & tháng 10. Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.
Áp lực đáo hạn trong hai tháng còn lại của năm nay khá nhẹ nhàng với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thống kê từ VnDirect, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm trong tháng 11 trước khi tăng mạnh trở lại trong tháng 12. Dự kiến trong tháng 11/2024 sẽ có khoảng hơn 16.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, giảm 21,5% so với tháng trước, tuy nhiên áp lực sẽ tăng mạnh trở lại trong tháng 12/2024 với 38.620 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn.
Còn theo số liệu từ VIS Ratings, trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 109 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở, chiếm gần một nửa tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 30 nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.