Nhìn lại vai trò của báo Nông cổ mín đàm đối với tầng lớp doanh nhân Việt Nam

Hướng tới kêu gọi vận động cải cách kinh tế ở Nam kỷ

Được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp phép hoạt động vào ngày 14/2/1901, báo Nông cổ mín đàm có tên tiếng Pháp là “Causeries sur I’agriculture et le commerce” do ông Lương Khắc Ninh làm Chủ bút (từ năm 1901 đến năm 1906) đã trở thành diễn đàn phê phán, mổ xẻ những hạn chế của người Việt cả trong cuộc sống cũng như trong làm kinh tế, làm cản trở sự phát triển của cộng đồng trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa. Đồng thời, tờ báo còn kêu gọi người Việt đoàn kết, hùn vốn để kinh doanh, làm giàu cho mình và cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều.

i.doanhnhansaigon.vn-2023-06-09-_1571-1686293863.jpg
Lương Khắc Ninh – Chủ bút đầu tiên của Nông cổ mín đàm

Mục đích xuất bản của tờ báo đã được nêu rõ trong số đầu tiên (ngày 1/8/1901) như sau: “Muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự”. Cũng trong bài Thương cổ luận số đầu tiên, Lương Khắc Ninh có nêu rõ tôn chỉ hoạt động của tờ báo như sau: “Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường. Xin anh em xét lại mà coi, có phải là hễ dân giàu là nước giàu chung, còn dân nghèo thì nước cũng không giàu đặng. Tờ này mới khởi hành, nên tỏ một ít lời cho chư vị quý nhơn rõ ý nhựt báo, chỉ muốn cho người bổn quốc có kỹ nghệ và thương mãi, đặng làm cho hiệp với người Khách và người Thiên trước”.

Ở các số báo sau, mục đích của tờ báo tiếp tục được nói rõ hơn. Điển hình như trong bài “Bổn quán cẩn tín”, số 29, có ghi: “Chúng tôi đã tỏ nhiều lần trong tờ nhựt báo này, rằng lập ra đây là để làm sự đại hữu ích cho người bổn quốc trước là xem chơi truyện vui… và lại luận việc lợi hại phải chăng, cho rõ thấy, may có đồng tâm đồng chí mà học bán học buôn, học trồng học trĩa, thì là những điều có ích lắm”.

Chỉ ra những hạn chế của người Việt trong kinh doanh

Khi làm chủ bút Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh phụ trách viết mục Thương cổ luận với khoảng 120 bài, ngoài ra ông còn viết loạt bài “Đại thương hiệp bổn cách” đăng liên tiếp trên 6 số báo (từ số 10 đến số 15), loạt bài về “Lập thương cuộc” đăng liên tục trong bảy số (từ 144 đến 150) và các số tiếp sau đó, bài “Hiệp bổn chiêu thương” và “Hiệp bổn tài thọ” đăng trên số 8… Nội dung của các bài báo này tập trung phân tích những hạn chế trong tư tưởng kinh tế của người Việt, đưa ra những mô hình làm ăn của người Pháp và thương nhân Hoa kiều, kêu gọi người Việt góp vốn lập công ty để kinh doanh, cạnh tranh với người Hoa.

Thông qua các bài báo đăng trên mục Thương cổ luận đã phản ánh và mổ xẻ những thói hư tật xấu của người Việt như thói tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mong giàu nhanh chóng, tham vặt, không coi trọng chữ tín, tư tưởng thiếu đoàn kết, không tin tưởng nhau trong kinh doanh mà theo ông nhận xét: “Người nước mình hẹp tình cùng nhau, hễ ai giàu nấy ăn, còn ai khó nấy chịu, bởi vậy cho nên phú hậu nước Nam ta không bền vững đặng, cũng bởi vì lượng hẹp và tánh khắc ai ai cũng đều muốn một mình hơn mà thôi…”.

2_jfwr.jpg
Nông cổ mín đàm là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam và là cơ quan ngôn luận của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX

Mặt khác, Nông cổ mín đàm còn chỉ ra một hạn chế khác của người Việt làm ảnh hưởng đến việc hợp tác làm ăn lớn là “thói kình nghề, ganh gổ với nhau, thật là thói người An Nam ta mười người gần hết chín. Vì vậy nên không có hiệp lực cùng nhau mà làm cho đặng điều có lợi ích; hễ trong xóm trong làng, thì lẽ thường kẻ khá trước người khá sau, mà tánh người mình hay tính, hay kể việc trước sau mà ghét nhau…”.

Bên cạnh đó, các bài báo của Nông cổ mín đàm còn phân tích và chỉ ra sự lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông của đa số người dân nông thôn, thích những việc dễ, không ưu làm những việc khó, thiếu kiên nhẫn, mới giàu đã vội kinh miệt kẻ nghèo hèn… Thậm chí các bài báo của Nông cổ mín đàm còn phê phán tư tưởng an phận, không dám kinh doanh lớn của người Việt, những người giàu có thường “chỉ lo giữ tiền để dưỡng già, ăn chơi cho vui, không dám hùn làm ăn vì sợ lỗ vốn, cho vay sợ mất của, đi buôn lại sợ bối, sợ cướp, rốt cuộc chỉ tậu ruộng cho mướn”. Chính những hạn chế trên đã và đang cản trở người Việt tiến lên trên con đường kinh doanh buôn bán lớn, góp phần cho dân phú quốc cường.

Từ những hạn chế được phân tích và phê phán trên các bài báo đăng ở mục Thương cổ luận, Nông cổ mín đàm kêu gọi người dân đề cao kinh doanh, không nên chìm đắm trong lạc thú, không nên để lãng phí thời gian, mà phải ra sức học tập kỹ nghệ và buôn bán để đua tranh với các nước, đua bơi với đời. Theo đó, người nước ta phải cố gắng học nghề cho khéo để có tiền. Phải có sự linh hoạt, sáng tạo và thực dụng trong học nghề: “Học đủ việc những tài những trí; Học cho thông nghề nghiệp bán buôn”.

Nông cổ mín đàm cũng khẳng định “Đại thương là mối lợi trong thế gian, không chỉ đối với lục tỉnh mà các vương quốc đều trọng việc thương cổ”, hay “muốn có tiền nhiều thì phải buôn cho lớn, ấy là thượng sách”. Vì vậy, nếu người Việt biết cùng nhau hùn vốn buôn bán để sinh lợi thì còn hơn là tụng kinh niệm Phật, lập miếu cất chùa. Bởi danh và lợi luôn đi cùng nhau, danh phải thì lợi phải, cùng nhau hùn vốn buôn bán lớn là lẽ phải nên làm. Nghề buôn là lẽ phải hợp với quy luật của tạo hóa, chứ không phải là nghề hèn mọn như nhiều người nước ta nghĩ xưa nay. Do đó, người nước ta phải mau làm nghề đó thì mới không hổ thẹn với trời đất.

trang-nhat-va-trang-trong-cua-to-bao-dang-nam-1912.jpg
Các bài báo của Nông cổ mín đàm không chỉ đề cao kinh doanh mà còn hướng dẫn những phương pháp làm kinh doanh

Không chỉ đề cao kinh doanh, Nông cổ mín đàm còn hướng dẫn những phương pháp làm kinh doanh cho người Việt. Trong các số báo được xuất bản, Nông cổ mín đàm đã phân tích mô hình kinh doanh lớn của tư bản phương Tây và Hoa kiều để “cho người nước chúng ta bắt chước mà làm theo, cho đặng hưởng lợi lớn, kẻo uổng cho chúng ta là người sanh đặng trong xứ tốt, lợi lắm, mà không biết thủ lợi, lại để cho người dị quốc gom hết”.

Theo đó, các bài báo không chỉ kêu gọi người Việt hùn vốn để buôn bán mà còn kêu gọi lập tiệm cầm đồ, giữ tiền bạc, chìa khóa, cách thâu xuất, chỉ cách biên sổ, cám cầm đồ hoặc hướng dẫn huy động vốn cổ phần để mở tiệm cầm đồ, lập nhà in, công ty buôn lúa gạo… Đặc biệt, từ số 104 (ngày 10/5/1904) đến số 144 (16/6/1904) và từ số 146 (30/6/1904) đến số 150 (18/7/1904), Nông cổ mín đàm còn đăng loạt bài mẫu hướng dẫn thành lập công ty và kêu gọi góp vốn, chủ yếu là dự thảo điều lệ công ty, mẫu giấy tờ giao ước góp vốn… theo đúng pháp luật lúc bấy giờ để người Việt tham khảo và làm theo.

Vận dụng đạo đức trong kinh doanh

Vốn là một nhà Nho chuyển sang tiếp thu nền giáo dục phương Tây khi thực dân Pháp đặt nền cai trị tại Nam kỳ, Lương Khắc Ninh đã có cái nhìn khách quan về Nho giáo so với trí thức đương thời. Thay vì công kích nặng nề Nho giáo như những trí thức Nho học cấp tiến thì Lương Khắc Ninh lại chỉ ra những hạn chế của Nho giáo đã kìm hãm nghề buôn, mặt khác, lại biết vận dụng sáng tạo bản thể đạo đức của Nho giáo vào buôn bán. Theo ông, trong buôn bán rất cần có các yếu tố nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Do đó, ông căn dặn người làm nghề buôn phải giữ đạo đức nghề nghiệp thì mới thành công được.

Theo Lương Khắc Ninh, nền giáo dục nước ta thiếu sự dạy và học về nghề buôn, bởi muốn buôn bán được thì người buôn phải biết tính toán, luật lệ và địa lý. Trong các bài viết ở mục Thương cổ luận, Lương Khắc Ninh nhấn mạnh: “Cách buôn bán là điều đương cần trong đời này”.001bche1bba3-c491e1bb93ng-xuc3a2n.jpg

Các bài báo của Nông cổ mín đàm nhấn mạnh việc vận dụng đạo đức trong kinh doanh

Lương Khắc Ninh nhấn mạnh người kinh doanh muốn thành công thì phải tuân theo Ngũ thường: “Nếu thiếu Ngũ thường thì làm sao cho đặng”, nghĩa là người kinh doanh phải hội đủ năm yếu tố là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông luận giải Ngũ thường trong buôn bán như sau:

  1. Việc cùng nhau hùn vốn để buôn bán lớn vừa có lợi cho người hùn vốn, vừa có lợi cho người trong nước. Người có tài, có vốn thì được tiền nhiều. Người không có tài, vốn ít, thì bỏ sức làm công để có tiền nuôi gia đình, không phải làm thân phận tôi tớ cho người nước ngoài. Trên dưới, giàu nghèo đều có lợi thì đó là nhân.
  2. Người trong một nước tuy không phải là anh em ruột thịt, nhưng cũng là bằng hữu của nhau. Nếu cùng nhau hùn vốn làm ăn đến trăm người thì đó là nghĩa.
  3. Khi hùn đông vốn lớn rồi thì buôn bán phân minh, phân hạng thứ bậc trước sau, luận bàn phân minh, không gièm pha nhau, lấy lễ đãi nhau thì đó là lễ.
  4. Khi hùn được một nguồn vốn lớn thì phải suy tính làm sao để buôn có lãi lớn, sinh lợi từng giây, từng phút và từng ngày, đó là trí.
  5. Trong buôn bán lớn phải có người đứng đầu, phải phân công công việc cụ thể to nhỏ cho từng người, đó là tín.

Tạo tiền đề cho sự bùng nổ phong trào Minh Tân ở Nam kỳ

Cuộc vận động cải cách kinh tế ở Nam kỳ trên báo Nông cổ mín đàm đã tác động to lớn đối với người Việt ở Nam kỳ thời bấy giờ, mà tập trung nhiều nhất ở giới điền chủ, trí thức của Nam kỳ. Với các số báo được phát hành trong 5 năm (1901-1906), Nông cổ mín đàm và Chủ bút Lương Khắc Ninh đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bạn đọc. Một số cá nhân ở Sa Đéc, Trà Vinh, Bến Tre, Cao Lãnh đã gửi tặng và thể hiện sự ủng hộ chủ trương vận động kinh doanh của Nông cổ mín đàm bằng các bài thơ (tiêu biểu là các ông Nguyễn Liên Phong, Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Chánh Sắt).

saigon2.jpg
Nông cổ mín đàm đã tạo tiền đề cho sự bùng nổ của phong trào Minh Tân ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX

Sau gần 5 năm phát động, cuộc vận động cải cách kinh tế ở Nam kỳ trên báo Nông cổ mín đàm của Lương Khắc Ninh vẫn chưa thể tạo thành một phong trào xã hội mạnh mẽ. Thế nhưng, những lời kêu gọi này đã có sự thâm nhập trong giới trí thức, điền chủ, công chức người Việt có tinh thần dân tộc và bước đầu có sự lan tỏa. Đặc biệt, đáng chú ý là những tư tưởng của Lương Khắc Ninh sau đó đã được Trần Chánh Chiếu tiếp tục phát triển khi làm Chủ bút Nông cổ mín đàm (1906-1908) và Lục tỉnh tân văn (1907-1908), tạo tiền đề cho sự bùng nổ của phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ trong những năm 1907-1908.

Dư âm của Nông cổ mín đàm

Nông cổ mín đàm không chỉ đơn giản là tờ báo nói về việc uống trà nói chuyện nhà nông và buôn bán như tên gọi mà những nội dung được đề cập trong các số báo được phát hành lại phân tích rất chuyên sâu những vấn đề về kinh tế của đất nước. Với Chủ bút Lương Khắc Ninh, linh hồn của tờ báo này, Nông cổ mín đàm đã thể hiện bản lĩnh, tư duy và dấu ấn của người làm báo đương thời. Lương Khắc Ninh nói riêng và những nhà báo của Nông cổ mín đàm nói chung đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình, dù có thể làm một bộ phận người đọc phật ý nhưng những bài luận bàn về buôn bán này đã mở ra một lối tư duy kinh tế mới, tiến bộ và hiện đại ở Việt Nam.

Chính vì vậy, Nông cổ mín đàm vừa là diễn đàn của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đương thời, vừa trở thành vũ khí chống lại tư sản nước ngoài để bảo vệ quyền lợi kinh tế cho dân tộc. Điều này đánh dấu một bước phát triển về chất của dòng báo chí tiếng Việt còn đang trong thời kỳ non trẻ. Điều này còn góp phần mở đường cho phong trào Minh Tân phát triển trên đất Nam kỳ sau đó.

Mặt khác, Nông cổ mín đàm còn trở thành tiếng nói âm thầm của giới tư sản bản xứ về nghề buôn, về ước muốn bước qua những rào cản của quá khứ để làm giàu, về ý chí lấy lại những quyền lợi kinh tế từ tay tư sản ngoại quốc, trước khi họ trở thành một thế lực kinh tế lớn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *