Ngày càng nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đầu tư vào Việt Nam

Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững”, diễn ra vào sáng 15/11 do Trường Đại học Kinh tế (UEB) – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ), tổ chức với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times.

TIỀM NĂNG HỢP TÁC VIỆT – MỸ CÒN RẤT LỚN

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua một hành trình đáng chú ý, phát triển từ những nền tảng ban đầu để đạt được những tiến bộ thực chất.

Bắt đầu từ việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai nước đã mở rộng hợp tác thông qua Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000, tiếp theo là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư năm 2007.

Đặc biệt, năm 2013, việc ký kết Quan hệ đối tác toàn diện đã đánh dấu kỷ nguyên hợp tác mới. Đến năm 2023, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đạt tầm cao mới với việc thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, biểu tượng cho cam kết chung vì một tương lai thịnh vượng và bền vững.

PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. 
PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

PGS.TS. Đào Thanh Trường cho biết trong gần 30 năm, thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.

Từ năm 1995 đến năm 2023, thương mại song phương tăng từ 450 triệu USD lên hơn 100 tỷ USD, bất chấp những thách thức như đại dịch, và bất ổn kinh tế toàn cầu.

Hoa Kỳ hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Boeing, SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy đang ngày càng tăng cường sự hiện diện và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định niềm tin vào tiềm năng của thị trường này.

Đồng thời, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: FPT, VinFast cũng đang tích cực mở rộng đầu tư vào Hoa Kỳ, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự kết nối này mang lại lợi ích kinh tế to lớn, mở ra cơ hội hợp tác bền vững và tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai nền kinh tế.

“Những thành tựu này sẽ không thể có được nếu không có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác Việt – Mỹ. Sự tham gia tích cực và kiên trì của họ đã biến những cam kết thành những kết quả hữu hình, củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia”, PGS.TS. Đào Thanh Trường khẳng định.

Cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, ông Đồng Huy Cương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho rằng lĩnh vực hợp tác và trao đổi con người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tình hữu nghị, hỗ trợ xây dựng môi trường hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.

“Chúng tôi tự hào đóng góp trong mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, với mạng lưới đối tác gồm các trường đại học và các tổ chức, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ của Mỹ”, ông Cương nói.

Ông Đồng Huy Cương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. 
Ông Đồng Huy Cương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. 

Theo ông Cương, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực. Ở mức độ đa phương hóa, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ. “Hiện nay, Việt Nam và Mỹ không chỉ là đối tác mà còn là bạn. Mối quan hệ giữa hai nước có được như ngày hôm nay là nỗ lực không ngừng của những thế hệ lãnh đạo, Chính phủ và con người của cả hai quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mở ra chương mới trong tăng cường hợp tác, tình hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới”, ông Đồng Huy Cương tin tưởng.

CÒN NHIỀM TIỀM NĂNG ĐỂ NÂNG TẦM QUAN HỆ HỢP TÁC 

Không phủ nhận còn những thách thức, song Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), tin rằng vẫn có nhiều thuận lợi để mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Thứ nhất, sự hỗ trợ tích cực trong vấn đề ngoại giao, đây là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài của hai quốc gia.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên độc lập. Nước Mỹ cũng coi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn trong số các nước châu Á. Thặng dư thương mại đã có sự tăng trưởng, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới và thị trường Mỹ.

Thứ ba, Việt Nam đang tích cực tạo môi trường kinh doanh tin cậy và mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Đến nay, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, thể hiện họ tin tưởng vào sự ổn định của môi trường đầu tư và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam.

Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, trong tương lai, vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, điện tử, sản xuất ô tô, năng lượng sạch, năng lượng xanh, dịch vụ tài chính, đầu tư, hạ tầng, kinh tế số và an ninh mạng… “Đây là những lĩnh vực có thể đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ”, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn gợi mở.

Bà Isabelle Mulin, Giám đốc Chương trình, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. 
Bà Isabelle Mulin, Giám đốc Chương trình, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. 

Bà Isabelle Mulin, Giám đốc Chương trình, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh các chương trình của USAID đều được định hướng bởi quan điểm sự phát triển bền vững giữa hai nước là nền tảng, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, giáo dục, năng lượng, biến đổi khí hậu…

“Sự phát triển bền vững không chỉ là đạt được các mục tiêu về kinh tế, mà còn là sự cam kết về một môi trường có tác động tích cực đến tất cả người dân, đặc biệt là những thế hệ trong tương lai”, bà Isabelle Mulin nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận và đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả và kịp thời, có thể mang lại lợi ích cho hai quốc gia.

Trong đó, tập trung vào những điểm nghẽn hiện nay trong hợp tác đầu tư, thương mại, giáo dục và đổi mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; những vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết.

Những điều kiện cần thiết nào cần triển khai ngay để thúc đẩy hợp tác Việt – Mỹ hiệu quả, và tăng cường góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, bền vững và chuyển đổi số ở Việt Nam. Khuyến nghị về giải pháp, lộ trình thực hiện các sáng kiến ​​này trong ngắn hạn (2030) và dài hạn (2045).

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chủ đề thứ nhất của Diễn đàn về “Hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” sẽ tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó có xu hướng và tiềm năng mở rộng thương mại song phương, thu hút FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, cơ hội và thách thức về nguồn cung.

Vấn đề hợp tác năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, thực hiện chiến lược ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) hiệu quả; thúc đẩy quan hệ đối tác kinh doanh và chuyển giao công nghệ, giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường đối thoại chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp

Chủ đề thứ hai về “Hợp tác giáo dục và đổi mới hướng tới phát triển kinh tế bền vững”, sẽ đề cập đến các khía cạnh như thúc đẩy đổi mới trong giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới; chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển bền vững; thúc đẩy giáo dục STEM và kỹ năng số.

Đặc biệt, nâng cao vai trò của các trường đại học và viện nghiên cứu trong nghiên cứu ứng dụng, kết nối doanh nghiệp và giáo dục để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao; tích hợp công nghệ số và AI trong giáo dục đào tạo; đẩy mạnh giáo dục về phát triển bền vững và nhận thức về môi trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *