Năm 2025 sẽ là năm bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 5/2/2025 (Mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã diễn ra buổi lễ Đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu Xuân Ất Tỵ 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá năm 2024 là năm có nhiều kết quả tích cực. Nhìn chung, thị trường có một năm hoạt động an toàn, ổn định, kỷ cương kỷ luật tiếp tục được củng cố, tăng tính minh bạch, bền vững.

Dù vậy, ngành chứng khoán vẫn phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động và tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc nâng hạng thị trường.

VỮNG ĐÀ TĂNG TRƯỞNG, HƯỚNG TỚI NÂNG HẠNG

Theo bà Nguyễn Việt Hà, quyền Chủ tịch HOSE, năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô thế giới biến động phức tạp, tuy nhiên sự điều hành sát sao của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi… Nhờ đó, Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 tiếp tục duy trì sự hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, tăng trưởng.

 

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC).
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC).

“Trong năm 2025, ngành chứng khoán cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất để triển khai hiệu quả các giải pháp, kế hoạch hành động đã đề ra, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp huy động vốn, nhà đầu tư tham gia thị trường theo quy định pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí để thị trường được nâng hạng theo kế hoạch của Chính phủ… để thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, kết thúc năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1266.78 điểm tăng 12,1% so với cuối năm 2023. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5,21 triệu tỷ tăng 14,3% so với cuối năm 2023.

Cùng với đó, giá trị giao dịch bình quân năm 2024 đạt 18.685 tỷ đồng/ngày, tăng 22,4% so với năm 2023. Kết thúc năm 2024, thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau thị trường Thái Lan và Singapore.

Bà Hà cho biết năm nay, HOSE đặt mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành để đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nâng cao năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng quy mô tăng trưởng khi thị trường được nâng hạng.

Nhận định về thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC), cho biết năm 2025 sẽ có nhiều yếu tố bất ổn khó lường. Song, Việt Nam còn nhiều cơ hội mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra. Những yếu tố tích cực này sẽ tiếp tục là nền tảng để thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì sự ổn định và tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng.

NĂM CỦA SỰ THAY ĐỔI VÀ ĐỘT PHÁ

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, năm 2025 là năm đất nước, nền kinh tế có nhiều kỳ vọng và sự thay đổi. Chính phủ cũng đang xây dựng và triển khai các giải pháp để phấn đấu đưa các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao hơn kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ để thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, khẳng định và phát huy vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi lễ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong năm 2025. Trong đó, sớm hoàn thành khung pháp lý, hướng dẫn các quy định mới trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được thông qua năm 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Đây là nội dung rất quan trọng vì những quy định cũ không còn phù hợp, cần những văn bản hướng dẫn mới để năm 2025 không có sự phàn nàn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý cụ thể, trên cơ sở công khai sớm các quy định mới vào thị trường”.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý thị trường trong năm 2025 phải tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh nhiệm vụ vận hành thị trường thông suốt an toàn, đảm bảo kỷ cương thị trường, cơ quan quản lý cũng nỗ lực đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để có điều kiện tăng chất lượng. Song song đó, việc nâng hạng thị trường cũng là mục tiêu quan trọng của ngành chứng khoán trong năm nay. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc nâng hạng thị trường chứng khoán không thể trì hoãn được nữa.

“Năm nay phải đáp ứng các điều kiện để thị trường chứng khoán nâng lên bước mới, tạo xung lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng cho thời gian tới. Bởi, khi được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhiều bên, cho cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, gia tăng sự tham gia của dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *