Trong báo cáo của MAUR, tiến độ của dự án metro số 1 tính đến hết tháng 10/2024 đã đạt 98,8 %. Hiện nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành 10/13 chứng nhận an toàn hệ thống. Các công việc dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2024 để đưa vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, về tình hình giải ngân, tính đến hết tháng 10/2024, metro số 1 chỉ mới giải ngân được 962 tỷ đồng trong tổng số 4.467 tỷ đồng được giao năm 2024 (đạt 21,54 % so với kế hoạch năm). Tính chung số vốn giải ngân được từ lúc duyệt dự án metro số 1 đến hết tháng 10/2024 là 29.969 tỷ đồng trong tổng số 43.757 tỷ đồng tổng mức đầu tư (đạt 68,4%).
Theo MAUR, nguyên nhân của việc tuyến metro số 1 giải ngân chậm do đây là dự án vay vốn ODA nên chịu phạm vi điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, khi vừa phải tuân thủ quy định theo hợp đồng ký kết với nhà thầu, vừa phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và các hướng dẫn của nhà tài trợ.
Trong khi đó, các quy định này vẫn còn có sự khác biệt và chưa hài hòa với nhau. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án có nhiều thay đổi về các quy định pháp luật.
Mặt khác, đa phần các hợp đồng gói thầu chính được ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói, theo quy định nhà thầu phải hoàn thành 100% khối lượng mới đủ điều kiện để thanh toán cũng góp phần làm chậm tiến độ giải ngân tuyến metro số 1.
Bên cạnh đó, dù đang ở giai đoạn cuối và các gói thầu thi công đã cơ bản hoàn thành nhưng việc nghiệm thu, thanh toán các khối lượng trong giai đoạn này còn đang phải hoàn tất nhiều nội dung liên quan như: công tác phòng cháy chữa cháy, hồ sơ hoàn công, thử nghiệm cơ điện, thử nghiệm hệ thống và thử nghiệm giao diện… để đáp ứng an toàn hệ thống và yêu cầu thanh toán phù hợp với điều kiện hợp đồng và quy định pháp luật.
Ngoài ra, nhiều vướng mắc tồn tại của dự án trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết như: phát sinh hợp đồng, điều chỉnh giá, khiếu nại, tranh chấp hợp đồng… đã dẫn đến tình trạng luôn có độ trễ trong giai đoạn cuối để hoàn tất các thủ tục liên quan.