Đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn cũng gây áp lực giảm lên giá vàng.
Lúc hơn 9h sáng nay (9/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ, giao dịch ở mức 3.302,5 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 104,7 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Cùng thời điểm trên, website Vietcombank báo giá USD ở mức 25.930 đồng (mua vào) và 26.320 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Phiên ngày 8/7 tại New York, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 3.302,3 USD/oz, giảm 35,1 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm hơn 1%. Trên sàn COMEX, giá vàng giao sau giảm 0,8%, đóng cửa ở mức 3.316,9 USD/oz.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt mức cao nhất hơn 2 tuần trong phiên ngày 8/7. Chốt phiên, lợi suất của kỳ hạn này tăng 0,01 điểm phần trăm, đạt 4,407%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ở mức 97,52 điểm, tăng nhẹ từ mức 97,48 điểm của phiên trước.
Vàng là một tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD, nên việc lợi suất trái phiếu và tỷ giá đồng USD tăng đều không có lợi cho giá vàng.
Nhu cầu phòng ngừa rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu cũng chững lại ở thời điểm này, khi nhà đầu tư muốn chờ thêm những diễn biến mới liên quan tới cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Hôm thứ Hai tuần này, ông Trump tuyên bố lùi thời hạn thuế quan đối ứng từ ngày 1/8 sang 9/7. Sau đó cùng ngày, ông lại nói thời hạn mới này “không chắc chắn 100%”. Tuy nhiên, vào ngày thứ Ba, ông Trump có một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng thời hạn 1/8 sẽ không được thay đổi hay gia hạn. Cùng ngày, ông tuyên bố áp thuế quan 50% lên kim loại đồng nhập khẩu và dọa sẽ áp thuế quan 200% lên dược phẩm.
Cũng vào hôm thứ Hai, ông Trump gửi thư tới 14 quốc gia để thông báo mức thuế đối ứng mới có hiệu lực từ ngày 1/8, trong đó có hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau đó, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết sẽ cố gắng đàm phán với Mỹ để đạt một thỏa thuận thương mại với mức thuế quan thấp hơn.

“Chính quyền ông Trump đang gia tăng sức ép về thương mại. Tuy nhiên, một vài sự lạc quan liên quan tới các thỏa thuận thương mại đang thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro, từ đó gây áp lực giảm lên giá vàng”, chiến lược gia cấp cao Peter Grant của công ty Zaner Metals nhận xét với hãng tin Reuters.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 1,2 tấn vàng trong phiên ngày thứ Ba, giảm khối lượng nắm giữ còn 946,5 tấn vàng.
Ngoài các tin tức về thương mại, thị trường cũng đang chờ biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, cũng như phát biểu một loạt quan chức Fed trong tuần này. Đó sẽ là căn cứ để hiểu rõ hơn về triển vọng chính sách tiền tệ sắp tới của ngân hàng trung ương này.
“Mối đe dọa lạm phát từ thuế quan có thể khiến Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất tới tận năm sau, và điều này sẽ gây áp lực giảm giá lên vàng”, nhà kinh tế Hamad Hussain của công ty Capital Economics nhận định với Reuters.
Trên thị trường, nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed có hai lần giảm lãi suất trong năm nay, với tổng lượng giảm là 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu vào tháng 10.