Dự án đường Vành đai 4 được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT

Báo cáo được thực hiện sau cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải TP.HCM với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các đơn vị tư vấn vào ngày 7/11 để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo đó, một trong những nội dung mà các địa phương chưa làm rõ được là nguồn vốn đầu tư cho dự án. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chưa xác định được nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí cho dự án.

Đối với đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện.

Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, đơn vị tư vấn đang nghiên cứu theo phương án đảm bảo tuân thủ yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ cao tốc (đối với đoạn 12 km tiếp giáp TP.HCM) và bổ sung cầu Thủ Biên vào dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.

tien-do-duong-vanh-dai-4-1.jpg
Sơ đồ đường Vành đai 4 TP.HCM


Riêng đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đã nghiên cứu, bổ sung phương án đầu tư theo hình thức BT (thanh toán bằng tiền hoặc bằng đất, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội).

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đánh giá phương án đầu tư theo hình thức BT không khả thi và ngân sách địa phương chỉ cân đối được cho dự án tối đa khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, tỉnh Long An tiếp tục đề xuất phương án đầu tư theo hình thức BOT có sự hỗ trợ của nguồn vốn trung ương.

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đánh giá tiến độ thực hiện hoàn thiện các dự án thành phần đường Vành đai 4, TP.HCM còn chậm chưa đáp ứng được tiến độ đề ra.

Để sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án đường Vành đai 4, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP.HCM tổ chức họp với lãnh đạo các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu để thống nhất các nội dung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án giao thông trọng điểm, có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 1, đầu tư 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp và dải phân cách giữa hai chiều.

Tổng mức đầu tư của dự án là 128.063 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 17,3km (14.089 tỷ đồng), đoạn Bà Rịa – Vũng Tàu 18km (7.972 tỷ đồng), đoạn Đồng Nai 45,6km (19.151 tỷ đồng), đoạn qua Bình Dương 47,5km (19.827 tỷ đồng), đoạn qua Long An dài hơn 78km (67.024 tỷ đồng).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *