Thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/11), đưa hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, với động lực là chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Giá dầu thô giảm khá mạnh do mối lo về triển vọng tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nhưng vẫn đi lên trong tuần này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 259,65 điểm, tương đương tăng 0,59%, chốt ở mức 43.988,99 điểm. Trong phiên, lần đầu tiên trong lịch sử Dow Jones vượt ngưỡng 44.000 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, đạt 5.995,54 điểm, sau khi lần đầu vượt mốc 6.000 điểm trong phiên.
Chỉ số Nasdaq tăng đuối hơn, với mức tăng 0,09%, đạt 19.268,78 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là mức đóng cửa cao chưa từng thấy của Nasdaq, và một kỷ lục nội phiên mới của chỉ số cũng được ghi nhận trong phiên này.
Tuần này chứng kiến giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng dữ dội, chủ yếu nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư sau khi ông Trump tái đắc cử hôm thứ Tư. S&P 500 tăng 4,66% cả tuần và Dow Jones tăng 4,61%. Đây là tuần tăng tốt nhất của mỗi chỉ số kể từ tháng 11/2023. Nasdaq tăng 5,47%, trong khi chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng 8,57%.
“Giá cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu nhỏ, đang phản ánh sự hào hứng với các chủ trương thân thiện với tăng trưởng kinh tế trong nước mà ông Trump đề xuất, cũng như hy vọng rằng các quy chế giám sát sắp tới sẽ nới lỏng hơn so với thời chính quyền ông Biden”, chiến lược gia Venu Krishana của ngân hàng Barclays nhận định.
“Chưa rõ liệu sự tăng điểm này có bền vững hay không. Việc tăng theo đà đang đưa giá những cổ phiếu đã cao lại càng cao hơn. Trên phương diện kỹ thuật, diễn biến hậu bầu cử đã đưa các chỉ số lên gần vùng mua quá nhiều”, ông Krishna nói.
Giới đầu tư xem việc Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và hai viện Quốc hội là điều kiện thuận lợi cho việc nới lỏng các quy chế giám sát, mở đường rộng hơn cho các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, cũng như cắt giảm thuế. Tuy nhiên, mối lo về thâm hụt ngân sách liên bang tăng và thuế quan tăng cũng đang thổi bùng mối lo ngại về sự leo thang của lạm phát.
Cùng với việc ông Trump đắc cử, phe Cộng hòa cũng đã giành đa số ghế ở Thượng viện và đang dẫn trước trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Một số cổ phiếu có mối liên hệ với ông Trump tiếp tục tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu.
Cổ phiếu Tesla tăng 8,2% trong phiên ngày thứ Sáu, đánh dấu phiến tăng thứ tư liên tiếp, đưa giá trị vốn hóa của hãng xe điện này lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD. CEO Elon Musk của Tesla là một người ủng hộ tích cực ông Trump trong chiến dịch tranh cử của ông.
Cổ phiếu Trump Media – công ty truyền thông của ông Trump – tăng 15,2%. Chốt phiên ngày thứ Sáu, giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đạt gần 6,4 tỷ USD.
Ngoài kết quả bầu cử, chứng khoán Mỹ tuần này còn hưởng lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Hôm thứ Năm, Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, một động thái không nằm ngoài dự báo. Tại họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông có “cảm nhận tốt đẹp” về nền kinh tế.
Một số nhà phân tích ở Phố Wall đang lo ngại về mức định giá cổ phiếu, nhưng sức mạnh của thị trường trong tuần này củng cố niềm tin rằng vẫn còn dư địa để các chỉ số tăng cao hơn trong thời gian còn lại của năm nay.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,98 USD/thùng, tương đương giảm 2,74%, chốt ở mức 70,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,33 USD/thùng, tương đương giảm 1,76%, chốt ở mức 73,87 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi dự báo mới nhất nói rằng đường đi và cường độ của cơn bão Rafael trên Vịnh Mexico – khu vực sản xuất dầu lớn của Mỹ – sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khia thác dầu khí ở vùng này như lo ngại ban đầu.
Trong khi đó, các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa mà Trung Quốc mới công bố đã khiến giới đầu tư thất vọng. Trong gói kích cầu này, nhà chức trách Trung Quốc tập trung giảm bớt áp lực nợ nần đối với các chính quyền địa phương, nhưng các biện pháp đó được đánh giá là không tác động trực tiếp tới nhu cầu.
“Tôi cho rằng thị trường đã kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc. Bởi vậy, sự thất vọng đã khiến dầu giảm giá ngày hôm nay”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định.
Áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc đã gây nhiều áp lực giảm lên giá dầu trong năm nay. Dữ liệu hải quan cho thấy trong tháng 10 vừa qua, nhập khẩu dầu thô của nước này giảm tháng thứ sáu liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá dầu đang được hỗ trợ bởi khả năng chính quyền Trump 2.0 có thể áp các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran và Venezuela. Sự trừng phạt đó có thể khiến nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu suy giảm. Việc Fed hạ lãi suất trong tuần này cũng hỗ trợ giá dầu.
Dù giảm trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu đã tăng hơn 1% trong tuần này.