Đề nghị tăng lương hưu, trợ cấp người có công trong năm 2025

Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 4/11 về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, đề nghị quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2025. Bởi năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc, vì thế đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đề xuất Quốc hội về vấn đề này.

“Chúng ta có thể không tăng lương khu vực công trong năm tới, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp cho người có công”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM. Ảnh: Quochoi.vn.

Trước đó, báo cáo Quốc hội hôm 22/10 thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với việc chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp người có công.

Cũng quan tâm đến chế độ chính sách cho người cao tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn tỉnh Quảng Bình, cho biết Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số. 

Trước áp lực ngày càng gia tăng của hệ thống hưu trí và y tế sẽ tạo thêm những thách thức lên nguồn tài chính của quốc gia. Hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao, sức yếu cũng sẽ sớm trở thành mối quan ngại.

Đại biểu cho biết cả nước có trên 16 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% dân số, nhưng chỉ có khoảng 5,4 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp người có công, và trợ cấp xã hội.

Như vậy, còn khoảng hàng triệu người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có cơ chễ hỗ trợ người cao tuổi tham gia thị trường lao động công bằng, hợp lý là cần thiết, giảm gánh nặng an sinh cho xã hội.

“Chính sách việc làm cần hướng tới tăng cường sự tham gia của người cao tuổi đối với thị trường lao động. Cụ thể, cần quy định tối đa số giờ, mức lương tối thiểu phải trả cho người cao tuổi tham gia lao động, chính sách cho vay vốn, học nghề đối với người cao tuổi có mong muốn khởi nghiệp”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm góp ý.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, đã đến lúc quy hoạch việc làm phải được chú trọng, trong đó ưu tiên công việc đặc thù cho người già. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và số lượng cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi, đại biểu đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi.

Đơn cử như cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động, nhằm giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp này.

Hay cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão; tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ, hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.

Ngoài ra cần có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam, thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính.

Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này. Đặc biệt có quy định về việc huy động vốn của người cao tuổi trong dự án dưỡng lão, đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi…

Liên quan đến chính sách trợ cấp, bảo hiểm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn tỉnh Hải Dương, đề cập thêm đến vấn đề chế độ cho người lao động là hộ kinh doanh đã tham gia bảo hiểm xã hội.

Đại biểu cho biết tại Nghị quyết số 142/2024 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, đã giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh, đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành (1/7/2025). Việc này để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quochoi.vn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chế độ hưởng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng nói trên vẫn chưa được giải quyết, trong đó có nhiều người đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đến thời gian được hưởng chế độ hưu trí.

“Việc chậm trễ này ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính sách bảo hiểm nói chung, và gây khó khăn nhất định trong việc nỗ lực mở rộng mạng lưới bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hộ tự nguyện”, đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện mọi thủ tục nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này để người dân yên tâm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *