Đại gia Việt muốn bán nhà máy ở Trung Quốc, DN nhà Cường Đô la nhiều tai tiếng

Đại gia Việt từng thâu tóm DN Mỹ, giờ lỗ nghìn tỷ, muốn bán nhà máy ở Trung Quốc

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) là doanh nghiệp lớn có tiếng tại Gia Lai, xuất phát điểm từ ngành nghề chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Pháp mở rộng hoạt động sang đa ngành và gây rúng động thị trường chứng khoán với thương vụ thâu tóm công ty linh kiện Mass Noble của Mỹ hồi năm 2015. Công ty này có nhà máy tại Trung Quốc.

Đại gia ngành gỗ này giờ rất khó khăn. Doanh nghiệp lỗ lũy kế vài nghìn tỷ, cổ phiếu giá bằng nửa cốc trà đá và đang tính bán nhà máy tại Trung Quốc. (Xem chi tiết)

QCG và CEO Nguyễn Thị Như Loan: ‘Biệt tài’ có đất vàng giá rẻ, nhiều tai tiếng

Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan – mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) – là cái tên nổi tiếng song cũng nhiều tai tiếng.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) được biết đến là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu khu vực phía nam. Trong hơn thập kỷ, QCG liên tục dính lùm xùm, tai tiếng, từ những dự án liên quan tới đất công với 2 dự án Phước Kiển, việc chậm giải phóng mặt bằng, dự án bị khách hàng kiện tụng, cho tới việc ít trả cổ tức, cổ phiếu thất thường, vụ Trương Mỹ Lan…

Trong nhiều năm qua, QCG ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức thấp, nhiều khi thua lỗ, dòng tiền âm, liên tục lùm xùm kiện cáo. QCG nhiều lần vay hàng trăm tỷ đồng tiền của cá nhân lãnh đạo. (Xem chi tiết)

‘Công chúa mía đường’ làm Chủ tịch Công ty mía đường lớn nhất Việt Nam

CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) vừa thông báo liên quan đến thay đổi nhân sự chủ chốt. Theo đó, bà Đặng Huỳnh Ức My sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế bà Huỳnh Bích Ngọc. 
Được biết bà Đặng Huỳnh Ức My là con gái của vợ chồng ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công và bà Ngọc.

Trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao nhất của TTC AgriS, bà My giữ chức Phó chủ tịch và thường được gọi với biệt danh “công chúa mía đường”. (Xem chi tiết)

Thế chấp trăm triệu cổ phiếu, bầu Đức đổ nghìn tỷ ‘cứu’ công ty con

HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) vừa thông báo thống nhất việc thế chấp 165,75 triệu cổ phiếu CTCP Chăn nuôi Gia Lai để vay 1.050 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh của công ty con này. Bằng khoản thế chấp này, Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng số tiền hơn một nghìn tỷ đồng vay từ ngân hàng sẽ đưa công ty con này hồi sinh.

Tính đến thời điểm 31/3/2024, Hoàng Anh Gia Lai sở hữu 85% vốn tại CTCP Chăn nuôi Gia Lai, tương ứng tổng giá trị đầu tư hơn 2.591 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Ông lớn rời cuộc chơi, điện mặt trời Trung Nam đang nợ khủng quay đầu lãi mạnh

Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Điện Mặt trời Trung Nam (Điện Mặt trời Trung Nam) vừa có báo cáo tình hình tài chính năm 2023 với lợi nhuận không còn suy giảm mà đảo chiều tăng 11%, lên hơn 278 tỷ đồng.

Trung Nam Group do khó khăn về dòng tiền đã phải bán quyền kiểm soát tại dự án điện mặt trời lớn nhất của mình. Oái oăm thay, đây cũng chính là lúc dự án có tin tích cực sau một thời gian khó khăn. (Xem chi tiết)

trung nam 7.jpg
Tổ hợp nhà máy Điện Mặt trời Trung Nam. Ảnh: Trung Nam Group

Người vay kéo nhau vào hội nhóm ‘bùng’ nợ, hệ lụy không chỉ ngân hàng gánh

Tại hội thảo “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” ngày 18/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết trên môi trường mạng xã hội có nhiều hội nhóm, kín đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua TCTD khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi. (Xem chi tiết)

Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kiến nghị thành lập sàn xăng dầu

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5124 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu. (Xem chi tiết)

Bùng phát lợi dụng cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, ngân hàng cảnh báo khẩn

Lợi dụng việc các ngân hàng thực hiện thu thập sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cập nhật thao tác này cho người dùng.

Các ngân hàng cảnh báo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger,… ). Đồng thời, tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác. (Xem chi tiết)

Bộ Tài chính lo rủi ro khi trình giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tại hồ sơ này, Bộ Tài chính cũng cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo Nghị định. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế. (Xem chi tiết)

Tiếp tục đóng cửa hàng loạt, gần 100 phòng giao dịch của SCB ‘biến mất’

Trong hai ngày 15 và 18/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo chấm dứt hoạt động của 9 phòng giao dịch (PGD). Theo thống kê của VietNamNet, SCB đã đóng cửa 91 phòng giao dịch trên cả nước kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo giới thiệu của SCB tại thời điểm trước khi đại án Vạn Thịnh Phát xảy ra, mạng lưới giao dịch của ngân hàng lên tới 239 điểm giao dịch, khắp 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. (Xem chi tiết)

Lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới

Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024. 

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Trái ngược với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%). (Xem chi tiết)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *