Cơ hội nào cho Việt Nam?

Hydrogen xanh lá (gọi tắt: hydrogen xanh hoặc GH2) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững toàn cầu và mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát thải bằng 0 (Net Zero).

Tháng 2 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẳng định mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen dựa trên năng lượng tái tạo.

Trên thế giới đã có nhiều nước tiên phong phát triển thành công trong lĩnh vực này. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Võ Thanh Tùng – Cố vấn năng lượng của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam về tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp còn khá mới mẽ này tại Việt Nam.

z5843497257991_a36ad01cc8f68b9bfc5fbeada40c04c6(1).jpg
Ông Võ Thanh Tùng – Cố vấn năng lượng của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam

* GIZ nhận định gì về cơ hội và thách thức trong việc sản xuất và xuất khẩu hydrogen xanh tại Việt Nam?

Việt Nam sở hữu những tiềm năng to lớn để phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh. Với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như điện mặt trời lên tới 300 GW hay điện gió ngoài khơi lên tới 600 GW chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh phát triển thông qua ứng dụng những công nghệ tiên tiến như điện phân nước. Cần lưu ý là chúng ta cũng đã bước đầu xây dựng nghành năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời và điện gió. Tận dụng tốt những lợi thế, kinh nghiệm tích lũy khi phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng khi xây dựng ngành công nghiệp hydrogen xanh.

Đặc biệt, với những tiến bộ công nghệ gần đây cho phép sản xuất hydrogen từ nước biển giúp tạo thuận lợi xây dựng những tổ hợp vừa sản xuất điện gió tại khu vực ngoài khơi; đồng thời cung cấp điện cho các thiết bị điện phân, để sản xuất hydrogen từ nước biển.

Hiện nay, sản lượng hydrogen hàng năm được sản xuất cho thị trường trong nước là khoảng 500.000 tấn, tuy nhiên được sản xuất chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch là than đá hoặc khí tự nhiên. Như vậy, để phát triển ngành công nghiệp này, Việt Nam không chỉ cần sản xuất hydrogen phát thải thấp, thay thế cho nhu cầu thị trường hiện tại mà còn phải mở rộng thị trường, mở rộng nhu cầu từ các ngành công nghiệp khó giảm phát thải như điện năng, giao thông vận tải (bao gồm hàng không, đường thủy, đường bộ), ngành công nghiệp nặng như luyện kim, lọc hóa dầu hay sản xuất hóa chất. Đây cũng chính là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp này.

Không chỉ có khả năng phát triển ngành công nghiệp hydrogen phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa, giúp xanh hóa các ngành khó giảm phát thải, Việt Nam còn có thể tận dụng tốt vị trí địa lý, để cung cấp hydrogen xanh cho các thị trường thế giới và trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hydrogen.

Đây cũng là những định hướng quan trọng mà trong Chiến lược năng lượng hydrogen quốc gia mới được Thủ Tướng phê duyệt đã đề cập. Những định hướng chính sách này sẽ là những tiền đề quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư đưa ra những bước đi phù hợp nhằm cụ thể hóa những tiềm năng thành những dự án công nghệ cao, đầu tư có hiệu quả về mặt thương mại và kinh tế.

Để phát triển ngành công nghiệp mới mẻ như hydrogen, đương nhiên sẽ có rất nhiều thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải, ở đây tôi chỉ đưa ra một vài thách thức chính.

Phát triển thị trường là một trong những thách thức đó. Đây là ngành công nghiệp hoàn toàn mới, nên hiện nay chưa hề có nhu cầu cho sản phẩm. Đương nhiên dẫn tới việc các nhà đầu tư sẽ cân nhắc lựa chọn việc có tham gia vào thị trường hay không. Đặc biệt, khi sản phẩm mới khó có thể cạnh tranh ngay với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống như dầu mỏ và than đá về giá cả và chi phí sản xuất.

Ngoài ra, việc xây dựng ngành công nghiệp hydrogen đòi hỏi quyết tâm thúc đẩy đồng bộ toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất, vận chuyển rồi tới khâu tiêu thụ. Trong khi đó, Việt Nam chưa hề có cơ sở hạ tầng đồng bộ để vận chuyển, lưu trữ, hóa lỏng hay chuyển đổi. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là công việc đặc biệt quan trọng khi chúng ta biết chi phí vận chuyển hydrogen là rất lớn, nên việc quy hoạch một cách hiệu quả, tăng khả năng liên kết giữa vùng sản xuất và nơi tiêu thụ đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của ngành công nghiệp.


Hiện nay, Việt Nam cũng mới chỉ có hạ tầng cho ngành công nghiệp dầu khí. Việc tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại của ngành dầu khí cũng là một bài toán cần có lời giải sớm nhằm giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, đảm bảo cho ngành công nghiệp hydrogen xanh phát triển nhanh chóng.

Chưa kể tới, ứng dụng hydrogen còn rất mới mẻ trong rất nhiều ngành công nghiệp như điện năng, hàng không, tàu biển, vận tải đường dài hay nghành công nghiệp luyện kim. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực thúc đẩy thử nghiệm, vận hành, và hoàn thiện công nghệ, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế của quá trình chuyển đổi công nghệ này.

* Đức là một nước đi trước về phát triển hydrogen xanh. GIZ có những kinh nghiệm gì chia sẻ cho Việt Nam để vượt qua thách thức và phát triển trong ngành công nghiệp này?

Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những quốc gia tiên phong thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh. Thế mạnh của nước Đức không chỉ nằm trong năng lực vượt trội về công nghệ, tài chính, mà còn ở quyết tâm chính trị với những chính sách quyết liệt của chính phủ.

Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm của nước Đức, tuy nhiên cần lưu ý rằng mỗi quốc gia sẽ có những mục tiêu và năng lực khác nhau. Vì vậy, để thúc đẩy nghành công nghiệp hydrogen xanh, chính phủ Việt Nam cần phải xây dựng chính sách, mục tiêu phù hợp với năng lực quốc gia và điều kiện tự nhiên sẵn có. Chẳng hạn, nước Đức do những hạn chế về nguồn năng lượng tái tạo, bên cạnh thúc đẩy sản xuất trong nước, họ đã xây dựng chiến lược nhập khẩu hydrogen rất bài bản, cho phép đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của thị trường nội địa trong tương lai.

z5843497258032_cfdebd782cba28b455fe2a4bcc6407b1.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham quan hệ thống sản xuất hydrogen xanh tại công ty Enertrag (TP. Dauerthal, Đức), vào tháng 3/2023 (Ảnh: GIZ)

Với các doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng chiến lược thị trường, hay mô hình kinh doanh phù hợp sẽ đóng vai trò quyết định thành công. Vì vậy, công tác nghiên cứu thị trường, tìm kiếm địa điểm đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ sẽ đảm bảo doanh nghiệp có ưu thế trong sản xuất cũng như giảm thiểu chi phí liên quan, bao gồm cả chi phí vận chuyển, giúp cho họ có lợi thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ tài chính xanh, việc xây dựng các gói ưu đãi tín dụng với vốn vay giá rẻ sẽ là đòn bẩy quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hydrogen xanh có thế phát triển các dự án bền vững, hiệu quả về mặt kinh tế. Một số nghiên cứu của GIZ đã chỉ rõ, Việt Nam khó có thể thu hút được các nhà đầu tư trong nước hay quốc tế trong lĩnh vực này nếu như mặt bằng lãi suất quá cao, đặc biệt khi so sánh với thị trường vốn thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu tiếp cận với các cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hay Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ), là những công cụ tài chính rất quan trọng hướng tới nguồn vốn giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng từ loại hình nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.

* GIZ đã hỗ trợ thế nào cho Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hydrogen xanh?

Trong những năm qua, GIZ đã tổ chức các khóa học có chất lượng, được biên soạn và giảng dạy bởi giáo sư hàng đầu của Đức nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan chính phủ, các trường đại học, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hydrogen xanh. Các chương trình đào tạo của chúng tôi bao gồm các khóa ngắn hạn được tổ chức tại Việt Nam hoặc tại Đức, cho phép học viên tiếp cận được lý thuyết và kiến thức thực tiễn.

z5843497288844_9272815dc4a239a4a00582f7dd5959a0.jpg
Bồn chứa hydrogen xanh được sản xuất tại nhà máy của công ty Enertrag tại TP. Dauerthal, Đức (Ảnh: GIZ)

Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo, phối hợp tổ chức với một số trường đại học nhằm nhằm truyền tải, cập nhật những bước tiến về công nghệ, kỹ thuật, tính kinh tế và kinh nghiệm phát triển chính sách của các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.

2 dự án GIZ sắp triển khai tại Việt Nam:
*Một dự án mới mang tên “H2Growth – Phát triển nền kinh tế hydrogen xanh tại Việt Nam” đang được thảo luận tích cực với Chính phủ Việt Nam, mục tiêu mở rộng phát triển ngành hydrogen xanh. Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ). Dự án H2Growth dự kiến sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam trên ba lĩnh vực chính: hỗ trợ xây dựng chiến lược & khung pháp lý; nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu; và hỗ trợ phát triển thị trường. Dự án dự kiến được triển khai trong 4 năm từ 2024 đến 2028.
*Một dự án khác là Chương trình thúc đẩy thị trường hydrogen quốc tế (H2Uppp), tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK), nhằm thúc đẩy các dự án và thị trường hydrogen xanh tại các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Dự án H2Uppp hỗ trợ phát triển hơn nữa thị trường cho công nghệ và ứng dụng GH2 và PtX (là công nghệ cho phép chuyển đổi điện tái tạo từ các nhà máy điện gió, mặt trời, thủy điện và địa nhiệt thành các sản phẩm cuối cùng (X), bao gồm hydrogen hoặc nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc hydrogen như metan, metanol hoặc amoniac) đặc biệt tại các nước đang phát triển, thông qua quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và thiết lập quan hệ xuất-nhập khẩu với Đức và Châu Âu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *