Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (6/12), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới, nhờ số liệu việc làm tháng 11 tốt hơn dự báo nhưng chưa tới mức quá nóng để làm suy giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng này.
Giá dầu thô đi xuống và hoàn tất một tuần giảm vì tiếp tục có những dự báo cho rằng thế giới sẽ thừa dầu trong năm 2025 bất chấp việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,25%, đạt 6.090,27 điểm. Nasdaq tăng 0,81%, đạt 19.859,77 điểm. Cả hai thước đo này đều lập kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa, chủ yếu nhờ mức tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Tesla, Meta Platforms và Amazon.
Riêng chỉ số Dow Jones giảm 123,19 điểm, tương đương giảm 02,8%, đóng cửa ở mức 44.642,52 điểm.
Với phiên tăng này, S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, với mức tăng tương ứng là 0,96% và 3,34%. Dow Jones giảm 0,6% cả tuần.
Động lực chính cho phiên tăng ngày thứ Sáu là bản báo cáo việc làm đến từ Bộ Lao động Mỹ. Báo cáo cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 227.000 công việc mới trong tháng 11, nhiều hơn con số dự báo 214.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Số đầu việc mới này cũng vượt xa con số 36.000 công việc mới của tháng 10. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng 11 tăng nhẹ lên mức 4,2% như dự báo.
Sau báo cáo việc làm vừa đủ tốt này, thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 85% Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2024 dự kiến diễn ra sau 2 tuần nữa – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Có thể thấy thị trường việc làm bây giờ không yếu, nhưng chắc chắn đang bớt nóng so với trước. Đó là căn cứ để các nhà giao dịch thêm phần tin tưởng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới”, nhà quản lý danh mục Luke O’Neill của công ty Catalyst Funds nhận định với hãng tin CNBC. “Nền kinh tế vẫn tương đối vững vàng, nhưng thị trường lao động hạ nhiệt ở mức đủ để tạo dư địa cho Fed tiếp tục hạ lãi suất”.
Thời gian gần đây, kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 12 đã giảm xuống mức thấp do Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương này “không vội hạ lãi suất” vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,97 USD/thùng, tương đương giảm 1,35%, chốt ở mức 71,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 1,61%, còn 67,2 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 2% và giá dầu WTI giảm khoảng 1%.
“Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp và những diễn biến này cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu OPEC+ quyết định tăng sản lượng trở lại”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank đánh giá.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Hôm thứ Năm, OPEC+ chính thức công bố quyết định hoãn khởi động kế hoạch tăng sản lượng thêm 3 tháng, cho tới tháng 4/2025, đồng thời duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu cho tới cuối năm 2026.
Liên minh chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu toàn cầu này vốn đã dự kiến bắt đầu nâng sản lượng trở lại từ tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc, và sản lượng khai thác dầu tăng ở nhiều quốc gia khác đã buộc OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng.
“Dù quyết định tiếp tục hạn chế sản lượng của OPEC+ đã được đưa ra, thị trường vẫn phải đối mặt với triển vọng nhu cầu chậm chạp và sản lượng dầu ngoài OPEC+ ngày càng tăng”, ông Hansen nói thêm.
Vào ngày thứ Sáu, áp lực giảm giá tiếp tục đè nặng lên giá dầu khi các nhà phân tích nhắc lại kỳ vọng về tình trạng dư cung trong năm tới, mặc dù một số người trong số họ hiện cho rằng mức dư thừa sẽ ít hơn so với kỳ vọng trước đó.
Bank of America dự báo tình trạng dư thừa dầu sẽ đẩy giá dầu Brent về mức trung bình 65 USD/thùng vào năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo của ngân hàng Mỹ cũng nhận định mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi lên 1 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Ngân hàng HSBC nhận định tình trạng dư cung trên thị trường dầu sẽ thấp hơn so với dự báo trước, với mức dôi dư là 0,2 triệu thùng/ngày, so với mức 0,5 triệu thùng/ngày trong lần dự báo trước.
Giá dầu Brent đã chủ yếu dao động trong vùng hẹp 70-75 USD/thùng trong 1 tháng qua, trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá những tín hiệu nhu cầu từ Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
“Câu chuyện chung bây giờ là thị trường đang bị kẹt trong một vùng giá hẹp. Các diễn biến trong ngắn hạn có thể đẩy giá dầu tăng vượt ra khỏi khoảng hẹp này, nhưng triển vọng trong trung hạn thực sự vẫn khá ảm đạm”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận xét với hãng tin Reuters.