Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/11), khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu rằng nhịp tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế có thể đòi hỏi giảm tốc độ hạ lãi suất trong tương lai. Giá dầu thô tăng nhưng mức tăng hạn chế do kỳ vọng về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trong năm 2025.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 207,33 điểm, tương đương giảm 0,47%, còn 43.750,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, còn 5.949,17 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,64%, còn 19.107,65 điểm.
Sắc đỏ lấn át các bảng điện tử sau khi ông Powell nói rằng Fed “không cần phải vội” khi hạ lãi suất. Ở thời điểm đáy của phiên giao dịch, Dow Jones mất hơn 250 điểm.
“Sự vững vàng mà chúng ta đang chứng kiến trong nền kinh tế mang lại cho chúng tôi khả năng tiếp cận với các quyết định lãi suất một cách cẩn trọng”, ông Powell nói. Phát biểu này được nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra tại một sự kiện ở Dallas.
Đặt cược của thị trường vào khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 có lúc giảm mạnh sau phát biểu của ông Powell.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, có thời điểm trong phiên ngày thứ Năm, thị trường đặt cược khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 ở mức chỉ 62%, từ mức gần 83% vào ngày hôm trước. Tuy nhiên, sau khi phiên giao dịch kết thúc, khả năng này đã tăng vọt lên hơn 86%.
Các “giao dịch Trump” – trong đó nhà đầu tư mua mạnh các tài sản được cho là sẽ hưởng lợi khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ – cũng trở nên đuối sức. Cổ phiếu Tesla giảm 5,8% và chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm hơn 1%.
Giá tiền ảo cũng đi xuống sau hơn 1 tuần bùng nổ. Giá bitcoin lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam đã hạ về ngưỡng hơn 88.000 USD, giảm hơn 2% so với cách đó 24 tiếng – theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com. Hôm thứ Tư, giá tiền ảo này có lúc lập kỷ lục trên 93.000 USD.
Ngoài phát biểu của Chủ tịch Fed, mối quan tâm của thị trường trong phiên này còn hướng tới chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 10. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy PPI toàn phần tháng 10 tăng 0,2% so với tháng trước, phù hợp với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Tuy nhiên, PPI lõi – chỉ số không gồm giá năng lượng và thực phẩm – tăng mạnh hơn dự báo. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư cho thấy mức tăng bằng dự báo, nhưng đồng thời cũng phản ánh rằng Fed chưa thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. CPI lõi có tháng thứ ba liên tiếp tăng 0,3% so với tháng trước, còn mức tăng của 12 tháng là 3,3%, trong khi mục tiêu lạm phát của Fed là 2%.
Thị trường đang đặt câu hỏi liệu xu hướng tăng sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống có thể duy trì thêm bao lâu, sau khi cả ba chỉ số đều thiết lập một loạt kỷ lục mới trong những phiên gần đây. Hôm thứ Hai, Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên mức 44.000 USD, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng cao chưa từng thấy.
“Thị trường đã tăng bùng nổ trong tuần trước, giờ là lúc xuất hiện một chút khó khăn. Nhưng các chỉ số vẫn đang giữ được phần lớn thành quả tăng, nên vẫn có thể xem tuần này là một tuần thành công”, chiến lược gia trưởng Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets phát biểu trên CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,28 USD/thùng, tương tăng 0,4%, chốt ở mức 72,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 68,7 USD/thùng.
Từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent đã giảm 1,7% và giá dầu WTI đã giảm 2%. Gây áp lực giảm lên giá dầu tuần này là đồng USD tăng giá và mối lo về sự gia tăng của nguồn cung dầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Phiên ngày thứ Năm, tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 1 năm do nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất ở Mỹ sẽ phải cao hơn trong 4 năm tới vì chính sách của ông Trump sẽ làm lạm phát tăng.
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ lớn hơn nhu cầu trong năm 2025 ngay cả khi liên minh OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng, bởi sự gia tăng sản lượng dầu của Mỹ và các nước khác ngoài nhóm này sẽ vượt tốc độ tăng của nhu cầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Trước IEA, OPEC vào hôm thứ Tư tuần này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay và năm tới, trên cơ sở nhu cầu tăng yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số khu vực khác. Đây là lần thứ 5 liên tiếp OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024.
Theo một dự báo mới của UBS, giá dầu Brent sẽ bình quân 80 USD/thùng trong năm 2025, từ mức dự báo 85 USD/thùng mà ngân hàng Thụy Sỹ này đưa ra hồi tháng 9.
“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy thị trường dầu sẽ nghiêng về dư cung một chút trong năm tới”, chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS nhận định.