Chủ tịch Mirae Asset: T+0, bán khống, phái sinh đa dạng sẽ là bước đệm giúp Việt Nam hút vốn ngoại chất lượng cao

Tháng 7 là một tháng đặc biệt đối với thị trường chứng khoán – kỷ niệm phiên giao dịch chứng khoán lần thứ nhất, đánh dấu sự ra đời chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 28/7/2000, cách đây 25 năm về trước.

Sau khi đi vào vận hành và phát triển được 25 năm, thị trường chứng khoán đạt được nhiều thành tựu và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Vậy trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, những dấu ấn của thị trường chứng khoán trong hành trình 25 năm qua là như thế nào, cũng như đâu sẽ là những chiến lược cần có phát triển thị trường Việt Nam trong trong giai đoạn mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam?

Trao đổi về vấn đề này trong Talk show Phố Tài chính mới đây, bà Nguyễn Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS), cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn lớn trong 25 năm qua, ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một điểm sáng rất đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của thị trường là chất lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng được nâng cao. Trên thị trường hiện có 15 doanh nghiệp Việt đã đạt quy mô vốn hóa tỷ USD, có lộ trình tăng trưởng bền vững, vận hành chuyên nghiệp và minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp niêm yết thúc đẩy cổ phần hoá, cũng như tạo ra nhiều doanh nghiệp tỷ USD hơn nữa.

Chính những nỗ lực này sẽ góp phần giúp Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực của thị trường mới nổi, tăng tính minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh. Sự chuyển biến này không chỉ giúp thị trường tăng sức hút đối với dòng vốn quốc tế mà còn tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset. 
Bà Nguyễn Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset. 

Nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều là động lực phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 25 năm qua. Đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã không ngừng tăng nhanh và nâng cao trình độ. Tính đến nửa đầu năm 2025, số lượng tài khoản chứng khoán đã vượt 10 triệu tài khoản, và riêng tháng 5 vừa qua đã có hơn 190.000 tài khoản mở mới, đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng nhà đầu tư cũng có sự thay đổi rõ rệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư bắt đầu tiếp cận phương pháp quản lý tài sản, đầu tư có kỷ luật thay vì chỉ đơn thuần giao dịch ngắn hạn. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang dịch chuyển theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Về phía nhà đầu tư quốc tế, Mirae Asset cũng đã đóng vai trò cầu nối quan trọng, giúp kết nối các quỹ đầu tư lớn tại Hàn Quốc và các thị trường phát triển với các doanh nghiệp và thị trường Việt Nam, qua đó không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn truyền tải các chuẩn mực đầu tư quốc tế, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và minh bạch.

Thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu sự chuyển mình của nền kinh tế. Trong kỷ nguyên “vươn mình của dân tộc”, thị trường cần thể hiện được một tầm vóc mới: năng động, hội nhập và hiện đại hơn. Điều này sẽ được thể hiện qua ba hướng đi then chốt.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, hướng đến lợi nhuận bền vững, chuẩn mực quản trị quốc tế và các tiêu chí ESG rõ ràng.

Thứ hai, đón đầu xu thế phát triển ngành nghề mới như công nghệ, AI, fintech, năng lượng tái tạo, logistics và hàng tiêu dùng thông minh. Đây sẽ là những ngành đại diện cho sức mạnh mới của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hạ tầng thị trường và hệ thống giao dịch. Việc đưa hệ thống KRX vào vận hành, triển khai trung tâm bù trừ CCP và các sản phẩm như giao dịch T+0, bán khống, phái sinh đa dạng… sẽ là bước đệm quan trọng giúp Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế và thu hút dòng vốn chất lượng cao.

“Kinh nghiệm từ thị trường như Hàn Quốc cho thấy, việc kết hợp giữa cải cách của Chính phủ, ứng dụng công nghệ trong tài chính và tập trung cho doanh nghiệp trọng điểm sẽ giúp thị trường chứng khoán không chỉ phát triển mà còn dẫn dắt tăng trưởng kinh tế quốc gia”, bà Yến nhấn mạnh. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *