Châu Mỹ – Thị trường rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Mỹ đã ghi nhận những bước phát triển tích cực, tạo đà cho việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Mỹ gồm dệt may, điện tử, giày dép và nông sản như cà phê, thủy sản, tiêu và điều. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ châu Mỹ các sản phẩm công nghệ, máy móc, dược phẩm, nông sản và nguyên vật liệu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tại khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu tại các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD.

Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114,5 tỷ USD.

Sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực vào tháng 1/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023.

anh-man-hinh-2024-11-13-luc-17.54.38.png
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài cho rằng tiềm năng hợp tác giữa DN Việt và DN châu Mỹ còn rất lớn

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và DN châu Mỹ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều ngày 13/11, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho rằng, hợp tác song phương giữa DN Việt Nam và DN khu vực châu Mỹ ngày càng bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ, dịch vụ…

anh-man-hinh-2024-11-13-luc-17.51.51.png
Mexico là quốc gia đông dân thứ 11 thế giới, với nhu cầu mạnh mẽ về các mặt hàng nông sản, thủy sản


Cũng tại Hội nghị, bà Huỳnh Thị Liên – Đại diện Phòng Kinh doanh Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) cho biết, nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường châu Mỹ, công ty đã hợp tác với một số đối tác trong khu vực để giới thiệu các sản phẩm từ trái dừa Việt Nam. Beinco đặc biệt quan tâm đến thị trường Mexico – quốc gia đông dân thứ 11 thế giới, với nhu cầu rất lớn về các mặt hàng nông sản, thủy sản…

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là thách thức. Các đối tác châu Mỹ có yêu cầu rất cao. Họ đòi hỏi DN Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, quy trình chế biến linh hoạt và bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Cũng theo bà Liên, DN Việt cần cung cấp các chứng nhận quốc tế, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường này. Vì vậy, DN Việt phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các quy định về xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn môi trường.

img_2663.jpg
Việc chứng minh chất lượng qua các chứng nhận quốc tế giúp dễ dàng hơn trong việc tạo niềm tin với đối tác châu Mỹ

Đã bắt đầu triển khai hoạt động hợp tác với một số DN châu Mỹ từ năm 2020, trong đó có nhận làm OEM cho một số đối tác, bà Phạm Thị Bích Phượng – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm Sao Khuê (SK Foods) chia sẻ rằng, khi trò chuyện với các đối tác từ châu Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, có một số tiêu chí mà họ thường quan tâm khi xem xét nhập khẩu sản phẩm từ DN Việt Nam.

Đầu tiên, chất lượng sản phẩm phải cao, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Việc chứng minh chất lượng qua các chứng nhận quốc tế (như HACCP, ISO, Organic, FDA) giúp DN dễ tạo niềm tin với đối tác châu Mỹ.

Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm đến nguồn gốc và khả năng truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, đảm bảo rằng mọi khâu từ sản xuất đến phân phối đều minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh về giá cả, cùng với việc cung cấp sản phẩm độc đáo, khác biệt và phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, bao gồm xu hướng ăn uống lành mạnh và sản phẩm hữu cơ, cũng là những yếu tố mà các DN châu Mỹ đang hướng tới.

Hội nghị “Kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và DN châu Mỹ” là một trong nhiều hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm lần thứ 10 (Vietnam Foodexpo 2024) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức từ ngày 13 – 16/11, với sự tham gia của gần 100 DN Việt Nam và đại diện từ các quốc gia châu Mỹ.
Sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ, tạo cơ hội cho các DN hai bên gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *