* Để đạt được thành công như hiện nay, theo bà, năng lực và định hướng chiến lược của Tập đoàn thời gian qua như thế nào? Những yếu tố nào quyết định vị thế của Tập đoàn, thưa bà?
– DN của tôi là một trong năm công ty đầu tiên tại TP.HCM khi DN tư nhân mới bắt đầu xuất hiện vào những năm 1990. Thời gian đầu, khi chưa có Luật Doanh nghiệp, các công ty luôn lo ngại và không dám đầu tư mạnh. Sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn và bắt đầu mở rộng kinh doanh, nhận thấy DN tư nhân và quốc doanh đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Thành công của chúng tôi đến từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố nội tại là quan trọng nhất, quyết định sự gia tăng giá trị cho từng DN. Chúng tôi tập trung vào năm yếu tố chính: Chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, quản lý tổ chức, tiếp thị và thương hiệu, quản lý tài chính và quan hệ với đối tác. Khi cân bằng được cả năm yếu tố này, DN mới có khả năng phát triển bền vững.
* Trong ngành sản xuất tại Việt Nam, Tập đoàn của bà nằm trong nhóm nào?
– Trong ngành sản xuất, chúng tôi là nhà sản xuất xuất khẩu lâu năm có kinh nghiệm, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, không có định hướng mở rộng sang lĩnh vực khác.
* Định hướng trong tương lai của Tập đoàn như thế nào?
– Chúng tôi tập trung vào xuất khẩu nông sản và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị cho hội nhập với các yêu cầu mới của thế giới như kinh tế xanh, tuần hoàn và số hóa. Tuy nhiên, việc tiếp cận mô hình số hóa gặp khó khăn vì chi phí cao và thiếu hỗ trợ từ Nhà nước. Chúng tôi cũng đang đối mặt với yêu cầu về sản xuất xanh, điều này đòi hỏi sự thay đổi để tồn tại và phát triển.
* Theo bà, sự hợp tác giữa các DN trong ngành lương thực – thực phẩm của Việt Nam như thế nào? Bà đánh giá vai trò của hiệp hội trong việc giúp DN trong ngành nâng cao khả năng cạnh tranh?
– Sự kết hợp trong ngành lương thực – thực phẩm ở Việt Nam còn rất thiếu, mặc dù vai trò của hiệp hội là dẫn dắt ngành hàng. Chúng tôi đã thành lập nhiều câu lạc bộ và hội ngành nghề trong ba năm qua để tăng cường sự tương tác và kết nối.
Thời gian qua, hiệp hội cũng đã đứng ra can thiệp nhiều vướng mắc, gây trở ngại cho DN khi Nhà nước ban hành chính sách mới. Tuy nhiên, việc kêu gọi đóng góp từ các DN cho hoạt động Hội lại rất khó khăn vì họ chưa có ý thức cao về sự liên kết và ngại chia sẻ thông tin.
Xét về năng lực cạnh tranh của các DN TP.HCM thì hiện nay, chi phí logistics cao là một trong những vấn đề lớn làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, mặc dù TP.HCM có lợi thế về địa lý và hạ tầng giao thông. Thành phố cần cải thiện hạ tầng logistics và cải cách hành chính để hỗ trợ DN tốt hơn.
Về chính sách, Thành phố cần cải thiện để hỗ trợ DN tốt hơn. Việc ban hành chính sách cần có sự tham gia ý kiến từ DN để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
* Theo bà, làm thế nào để giải quyết những nút thắt khó khăn của các DN hiện tại?
– Cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, tạo ra các chính sách thuận lợi và định hướng rõ ràng cho DN. Hội cần đóng vai trò trung gian kết nối DN với chính quyền để giải quyết các vấn đề.
Chúng ta có thể học hỏi các DN Đài Loan (Trung Quốc) về tính kết nối cộng đồng mạnh mẽ và luôn tạo thiện cảm với đối tác. Cần học hỏi sự hào phóng và tinh thần hợp tác của họ. Những DN như Vinamilk và Vifon có tiềm năng trở thành DN toàn cầu, nhưng cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển mạnh mẽ hơn.
Như vậy, Thành phố nên cung cấp các chính sách có lợi và tạo ra các nhóm DN lớn để dẫn dắt những DN nhỏ hơn, tạo điều kiện phát triển đồng đều và bền vững.
* Hơn 45 năm trong nghề và 29 năm hoạt động trong Hội Doanh nghiệp Da Giày, theo ông, chiến lược và khả năng cạnh tranh của các DN trong ngành da giày như thế nào?
– Khá nhiều thăng trầm. Từ khi thành lập Hội với khoảng 200-300 hội viên. Đến năm 2005, ngành Da Giày Việt Nam gặp khó khăn lớn khi bị EU đánh thuế chống bán phá giá, trong khi các DN nước ngoài tại Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường. Đến năm 2010, EU áp thuế chống phá giá 10% đối với Việt Nam, khiến ngành da giày suy giảm nghiêm trọng. Đến năm 2015-2016, khi thuế chống phá giá được dỡ bỏ, Ngành mới bắt đầu phục hồi mạnh mẽ và phát triển ổn định với mức tăng trưởng hàng năm.
Tuy nhiên, ngành da giày lại gặp khó khăn khi xảy ra về vấn đề giàn khoan, làm gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Sau đó, từ năm 2017-2018, Ngành tăng mạnh sản lượng, đạt xuất khẩu trên 1 tỷ đôi mỗi năm. Khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2019, ngành lại suy giảm, và đến đầu năm 2021 mới bắt đầu phục hồi nhưng không mạnh mẽ. Năm 2022, ngành da giày tiếp tục bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vì đây cũng là thị trường xuất khẩu của giày dép Việt Nam. Tuy nhiên thị trường xuất khẩu chính của ngành vẫn là EU và Mỹ.
Về chiến lược của các DN ngành da giày, hiện nay phần lớn là gia công cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma theo bản thảo từ đối tác, nên chiến lược phát triển còn yếu và thiếu sự phát triển lâu dài. Hiện tại, các DN đang tập trung vào phát triển nhân sự, mẫu mã và quản lý chuyền sản xuất, nhưng vẫn thiếu một chiến lược rõ ràng cho tương lai.
Hiện nay, năng lực sản xuất của các DN ngành da giày Việt Nam đã đạt trên dưới 1 tỷ đôi /năm, với kỹ thuật tay nghề cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Một thông tin vui và phấn khởi là trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ chuyển 10% sản lượng sang Việt Nam để sản xuất. Tuy nhiên, các DN lại đang lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu này do không đủ máy móc và thiết bị cần thiết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành da giày Việt Nam trong việc nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư vào công nghệ, thiết bị hiện đại để có thể tận dụng cơ hội này một cách hiệu quả.
* Một số chính sách đang hỗ trợ DN của Chính phủ và địa phương đã giúp giải quyết khó khăn của DN ra sao, thưa ông?
– Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho các ngành nghề đều đang được áp dụng đồng nhất. Điều này cũng là một khó khăn đối với Thành phố khi phải quyết định các chính sách phù hợp. Trước đây, dù ngành da giày còn là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng cũng không có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, mong rằng Nhà nước có thể đầu tư phát triển ngành công nghiệp nguyên vật liệu. Khi đó, giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu sẽ tăng lên. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao. Nếu chỉ tiếp tục như vậy, giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không thể tăng trưởng bền vững.
* Đề xuất cụ thể của ông
– Các ngân hàng nên có những gói vay với lãi suất ưu đãi, tính theo từng gói phù hợp với từng DN, đặc biệt là những DN có tiềm lực phát triển trong ngành da giày, và những DN làm gia công. Nhà nước cần đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp nguyên vật liệu để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam. Cần có những chính sách hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung vào phát triển kỹ thuật, cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các DN đầu tư vào các giải pháp sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế.
* Nhiều đánh giá cho rằng mức độ liên kết giữa các DN trong ngành hiện nay còn nhiều hạn chế, ý kiến của ông?
– Các DN da giày đều có một số lượng lao động lớn và khi nguồn hàng giảm sút, DN phải tự xoay xở để đảm bảo công việc cho người lao động nên việc liên doanh, liên kết giữa các DN khó khăn, ai cũng muốn có đơn hàng để duy trì sản xuất và lo việc làm cho người lao động, vì thế chỉ cần đơn hàng giảm giá chút ít cũng đủ để một DN có được đơn hàng, điều này làm cho các DN khó hợp tác.
* Cảm nhận của ông về vai trò của Thành phố và các chính sách liên quan?
– Chính sách hỗ trợ của Thành phố dành cho ngành da giày rất tốt, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn như đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chính sách hỗ trợ chi phí gian hàng cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Triển lãm trong nước và Quốc tế tạo điều kiện cho các DN tiếp cận thông tin, kết nối các khách hàng tiềm năng, thúc đẩy cho các DN được phát triền đồng đều hơn, tạo điều kiện cho DN sản xuất có được những đơn hàng mới, và đảm bảo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, nhà nước còn triển khai hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ, kêu gọi đầu tư vào ngành cung ứng nguyên vật liệu cho ngành da giày.
Nhìn nhận tương lai của ngành da giày Việt Nam đến năm 2030 và 2045:
– Hội đã có ý kiến với các DN dù trong hoàn cảnh nào cũng cần cố gắng lo cho người lao động và giữ nguồn lao động ổn định. Ngành da giày là ngành tiêu dùng, luôn có nhu cầu mua sắm và đổi mới từ khách hàng. Do đó, nguồn lao động là chìa khóa để ngành tiêu dùng phát triển. Các DN cần định hướng chiến lược về mẫu mã thiết kế và nhân sự để phát triển bền vững, không thể chỉ mãi làm gia công.
Vì ngành da giày Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã tiếp cận với công nghệ ngành da giày thế giới hơn 30 năm qua
Đối thủ cạnh tranh của ngành dệt may TP.HCM:
– Hiện tại, tỉnh Bình Dương là đối thủ trực diện của ngành dệt may TP.HCM. Dù là người mới, Bình Dương có công nghệ tiên tiến hơn và kim ngạch xuất khẩu cao hơn. Nếu TP.HCM đạt 10 phần thì Bình Dương cũng đạt 8-9 phần. Tuy nhiên, TP.HCM có lợi thế về kinh nghiệm 30 năm trong ngành da giày, có cảng biển để xuất khẩu và có các công ty cung cấp nguyên vật liệu.
Quy mô và khả năng quản trị nhân sự của các doanh nghiệp TP.HCM:
– Tôi đã đến thăm từng DN và trò chuyện với các lãnh đạo. Có những người lãnh đạo có lộ trình và chiến lược rất hay nhưng lại không đề cập đến vấn đề nhân sự. Đây là sự khác biệt giữa các DN phát triển bền vững và những DN chỉ dậm chân tại chỗ. Để phát triển bền vững, DN cần tập trung vào nhân sự và mẫu mã, không thể mãi chỉ làm gia công.
* Nếu tự đánh giá, ông có thể chia sẻ điểm yếu, lợi thế và năng lực của DN mình, của các DN cùng lĩnh vực, ngành nghề trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh hiện nay?
– Secoin có bề dày 35 phát triển, hiện có 9 nhà máy trên cả nước và 1.000 nhân viên. Sản phẩm của Secoin có mặt ở khắp các dự án trọng điểm trên cả nước và xuất khẩu ra 60 nước trên khắp sáu châu lục, ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, các nước Trung Đông và một số nước châu Á. 8 năm liên tục Secoin được Chính phủ công nhận là thương hiệu quốc gia của Việt Nam và rất nhiều các giải thưởng cao quý khác.
35 năm qua, Secoin đã trải qua tất cả các giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế. Từ thời kỳ khó khăn bao cấp, đến khủng hoảng kinh tế những năm 1997-1998, thị trường bất động sản đóng băng năm 2009-2010 và đến nay. Đi qua hết các thời kỳ khủng hoảng nhưng vẫn trụ được là do nội lực của chính mình, là chính sách và định hướng kinh doanh. Ví dụ, hai thời điểm khủng hoảng 1997-1998 và 2009-2010, chúng tôi đã định hướng đem các sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nếu hai giai đoạn khủng hoảng này mà chúng tôi vẫn “đắm đuối” ở thị trường trong nước thì chắc chắn không tồn tại được đến hôm nay.
Đến giai đoạn năm 2020-2021 thời kỳ Covid-19, khi thị trường xuất khẩu giảm sút, có những thời điểm những nhà máy giảm đến 70%. Lúc này, chiến lược của chúng tôi lại linh hoạt, tập trung vào thị trường trong nước. Nhờ vậy, Secoin đã vượt qua khủng hoảng và trụ vững đến nay.
* Nếu tự xếp hạng, ông tự thấy Secoin sẽ ở vị trí nào trong các DN cùng nhóm ngành nghề? Và chiến lược đến năm 2030-2045 của Secoin sẽ thế nào, thưa ông?
– Nếu xét tổng thể về mặt quy mô, sản lượng, doanh thu thì Secoin không nằm trong top 10 ngành xây dựng vật liệu Việt Nam bởi chúng tôi không chọn đi vào mảng vật liệu xây dựng có quy mô lớn, sản lượng lớn – đang là thế mạnh của Việt Nam như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng gốm sứ… vì không đủ nội lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới với các “ông lớn” DN nước ngoài, đặc biệt là các DN lớn ở Trung Quốc. Nhưng nếu tính về thị trường ngách thì chúng tôi là công ty tiên phong về vật liệu không nung, sản phẩm handmade, các sản phẩm có giá trị riêng của người Việt nhưng lại có giá trị cạnh tranh rất lớn trên toàn cầu, đó là chiến lược của Secoin.
* Theo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh của TP.HCM vẫn còn đứng sau Hà Nội và một số địa phương, điều đó có ảnh hưởng gì đến năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM không, thưa ông?
– Xét về năng lực nội tại của TP.HCM và DN tại TP.HCM thì không giảm nhưng quy mô và thực tế của các DN tại TP.HCM những năm gần đây suy giảm rất lớn, đặc biệt là DN ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản. Có nhiều nguyên nhân:
Chính sách còn rất nhiều chồng chéo. Ví dụ ba Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, đất đai thì “dẫm chân” lên nhau. Có những chính sách gọi là “cởi trói” nhưng khi thực thi lại gặp khó hơn, nếu không nói là bó lại. TP.HCM được ban hành cơ chế đặc thù nhưng thực tế vẫn có nhiều thứ bị bó hẹp. Tâm lý dám nghĩ nhưng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm đã khiến năng lực cạnh tranh của TP.HCM “chững lại”.
Việc giải phóng đầu tư công còn quá chậm. Đã hơn nửa năm nhưng giải ngân vốn đầu tư của Thành phố đạt con số quá nhỏ. Đến cuối năm nay, TP.HCM quyết tâm đạt được 95% vốn giải ngân cho đầu tư công nhưng làm được hay không còn do thể chế, chính sách, năng lực và tính chịu trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo chính quyền Thành phố. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay, các DN ngành vật liệu xây dựng và nhiều DN khác tại TP.HCM đều vươn ra các tỉnh xung quanh hoặc ra phía Bắc để mở công ty, mở nhà máy?. Đó là lý do vốn đầu tư vào Long An đang phát triển rất mạnh và khi sân bay Long Thành, các đường cao tốc đến Biên Hòa, Vũng Tàu, cao tốc của Bến Lức, đường Vành đai Ba hoàn thiện, sẽ càng tạo động lực cho các DN ở TP.HCM vươn ra các tỉnh.
Điều này đang phản ánh một điểm yếu trong việc thu hút đầu tư của TP.HCM, nơi mà các điều kiện hạ tầng và chính sách có thể chưa đủ hấp dẫn để giữ chân và phát triển các nhà máy lớn.Việc đầu tư hạ tầng của TP.HCM quá kém và quá chậm, cầu cống, đường xá làm dở dang, những dự án nằm trên giấy…cũng là yếu tố cản trở TP.HCM nâng hạng năng lực cạnh tranh.
* Để DN TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh, ông đề xuất gì?
– Hiện nay các DN trong ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng của TP.HCM và phía Nam đều có mặt ở các dự án trọng điểm cả nước. Thế nhưng, các dự án đầu tư công và thuộc về hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển phần lớn đều là các DN phía Bắc. Để nâng cao năng lực của các DN TP.HCM, cần thực hiện một giải pháp tổng thể, không chỉ dựa vào chính sách riêng của TP.HCM mà còn phải phối hợp với chính sách của Trung ương. Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, không có lợi ích nhóm.
Các DN TP.HCM cần được công bằng trong việc tham gia các dự án lớn của quốc gia. Hiện nay, nhiều ý kiến cụ thể đã được nhiều DN đề xuất nhưng chưa được giải quyết. Quy trình xử lý hồ sơ giấy phép đầu tư tại TP.HCM đang rất chậm trễ và cản trở lớn đến hoạt động đầu tư. Hồ sơ tồn đọng mà không được giải quyết kịp thời, gây khó khăn cho DN. Do đó, cần có cơ chế và chính sách cụ thể từ trung ương. Bộ máy công quyền TP.HCM đang ở trạng thái “đóng băng” và nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” để thúc đẩy phát triển kinh tế và DN.
* Trong bốn yếu tố chính tác động đến năng lực cạnh tranh của DN gồm: Năng lực và vấn đề nội tại của DN: Liên kết hợp tác giữa các DN; Chính sách và vai trò của nhà nước; Vị trí địa lý và tài nguyên sẵn có, ông cho tỷ lệ tác động nhiều nhất và thấp nhất?
– Năng lực và vấn đề nội tại của DN: 35% vì năng lực quản lý, kỹ thuật và tài chính của DN quyết định trực tiếp đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh; Liên kết hợp tác giữa các DN (25%): Hợp tác và liên kết giúp DN tận dụng được sức mạnh chung, giảm thiểu rủi ro và gia tăng cơ hội thành công; Chính sách và vai trò của nhà nước (30%): Các chính sách hỗ trợ và môi trường pháp lý ổn định là rất quan trọng để DN phát triển bền vững; Vị trí địa lý và tài nguyên sẵn có (10%): Yếu tố này có tác động nhưng không phải là yếu tố quyết định vì DN có thể vượt qua bằng cách sử dụng công nghệ và các nguồn lực khác.
* Theo ông, mức độ tự tin về năng lực của DN trong Hội Tin học TP.HCM như thế nào?
– Năm 2001, chúng tôi rất tự tin vào khả năng phát triển ngành phần mềm của mình. Người Việt Nam thực sự có khả năng và niềm tin vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chỉ đạt được một số thành tựu nhỏ. Nếu thời điểm đó, các chương trình của chính phủ được thực hiện đúng cách và tập trung vào một ngành mũi nhọn, Việt Nam có thể đã phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều. TP.HCM có lợi thế rất lớn với nhiều chất xám và tinh hoa hội tụ. Nhưng Thành phố lại đang loay hoay với nhiều mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, và chuyển đổi xanh, khiến hiệu quả không cao.
* Những thách thức của DN phải chăng còn có lý do sự hỗ trợ chưa cụ thể?
– Mặc dù các địa phương đều có chính sách ưu đãi thuế, nhưng đôi khi điều chúng tôi cần không phải là thuế. Các DN rất sẵn lòng đóng thuế, nhưng cần những hỗ trợ khác. Tuy nhiên, nhiều khi chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ đó. Điều này dẫn đến sự nản lòng trong các DN tại TP.HCM và các DN cũng đang gặp rào cản tâm lý, làm giảm sự hào hứng và sáng tạo. Các DN hiện vẫn chỉ có thể tự tìm đường đi, tự tìm kiếm sự sống còn.
* Việc liên kết, liên minh của các DN thì thế nào, thưa ông?
– Các DN ở các nước như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ thường không thể tự mình gõ cửa vận động Nhà nước mà phải hợp tác cùng nhau trong các liên minh. Điều này giúp họ phát triển mạnh mẽ hơn. Vậy liệu Hội Tin Học TP.HCM đã tính đến việc thành lập các liên minh như vậy hay chưa? Nếu không, rất khó để phát triển thị trường và thoát khỏi cơ chế hiện tại.
* Vậy Hội đã hỗ trợ các DN hội viên như thế nào?
Doanh nghiệp luôn phải tự tìm cách sống còn, nuôi dưỡng bộ máy và trả các chi phí hàng ngày. Hội Tin Học cũng phải tự kiếm nguồn thu, tìm cách tồn tại và gắn kết lợi ích của hội viên. Chúng tôi luôn cố gắng bám theo lợi ích của hội viên để hỗ trợ họ tốt nhất. Hội Tin học hiện có 480 hội viên DN, nhưng tổng doanh thu hàng năm là bao nhiêu thì rất khó trả lời do thiếu số liệu chính xác. VNPT là DN lớn nhất trong Hội với doanh thu khoảng mười nghìn tỷ đồng, nhưng chủ yếu là từ các mảng kinh doanh khác ngoài phần mềm. Sự hợp tác giữa các DN trong hội cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh và văn hóa chưa tương thích.
Nếu so sánh sự hợp tác giữa các DN Đài Loan (Trung Quốc) thì DN tại TP.HCM mức độ hợp tác chỉ đạt khoảng 3/10 so với Đài Loan. Điều này do nhiều lý do, bao gồm văn hóa và sự hỗ trợ từ chính quyền. Ở Đài Loan, các hội được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, và các DN có sự gắn kết chặt chẽ. Ở Việt Nam, có quá nhiều hội nhưng hoạt động không hiệu quả và thiếu định hướng. Theo tôi, Hội cần có vai trò đúng nghĩa và chuyên nghiệp trong việc liên kết DN. Nếu không có sự tổ chức tốt, sự liên kết giữa các DN sẽ rất lỏng lẻo. Chính quyền cần phải xem Hội như cánh tay nối dài thực sự, và các hội cần có KPI rõ ràng để hoạt động hiệu quả.
* Ông có thể đưa ra giải pháp hiệu quả?
– Để nâng cao hiệu quả của tổ chức Hội, cần có sự cải tổ các hội, với sự hỗ trợ đúng mức từ nhà nước. Bản thân các hội cũng phải chuyên nghiệp hóa bộ máy và hoạt động của mình. Chúng tôi hy vọng thế hệ sau, với sự đào tạo bài bản và tầm nhìn quốc tế, sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin ở TP.HCM và Việt Nam đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển bền vững và mạnh mẽ trong tương lai.
* Theo ông, năng lực phát triển của các DN Ngành Cơ khí – Điện đến năm 2030 – 2045 như thế nào?
– Tôi cho rằng, nếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước hợp lý, DN ngành cơ khí – điện sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sự hỗ trợ từ chính sách là nền tảng quan trọng để giúp DN vượt qua khó khăn. Việt Nam, với nền kinh tế chưa đủ mạnh, cần rất nhiều sự hỗ trợ.
Thế giới hiện nay vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ nền kinh tế trong nước, chẳng hạn như Mỹ có thể áp đặt thuế 20%, 50% để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa. Trong khi đó, Việt Nam thường phải tuân thủ các quy định của WTO, không được phép hỗ trợ trực tiếp mà chỉ có thể hỗ trợ gián tiếp thông qua lãi suất vay. Lãi suất vay thấp là một giải pháp không vi phạm các quy định của WTO và nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng biện pháp này.
Các nước có nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Đức, Singapore không ngần ngại hỗ trợ trực tiếp cho DN. Chính phủ của họ sẵn sàng chi trả một phần chi phí mua sắm thiết bị công nghệ cao như robot để nâng cao năng suất lao động. Khi nền kinh tế mạnh, họ không sợ cạnh tranh từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam với nền kinh tế còn yếu vẫn lo ngại nhiều điều.
Do đó, để DN phát triển bền vững đến năm 2030 – 2045, cần có sự hỗ trợ hợp lý từ chính sách Nhà nước. Cần phải có những biện pháp cụ thể và thiết thực để hỗ trợ DN, không chỉ qua lãi suất vay mà còn các chính sách khác như miễn giảm thuế cho các sản phẩm sản xuất trong nước, tương tự như cách mà Mỹ áp dụng. Nếu có chính sách hợp lý và hiệu quả, tôi tin rằng các DN Việt Nam và DN cơ khí – điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Điều quan trọng là các chính sách phải thiết thực và phù hợp với cuộc sống. Hiện nay, chiến lược công nghiệp hóa mới và các giải pháp đã có, nhưng khi thực hiện thì gặp nhiều khó khăn.
* Việc liên kết ngành và các DN trong ngành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh đã đủ mạnh không, thưa ông?
– Trong ngành cơ khí – điện, việc liên kết ngành và hỗ trợ đào tạo nhân lực, công nghệ và vốn là vô cùng quan trọng nhưng thực tế chưa nhiều hiệu quả. Để liên kết ngành được hiệu quả, cần tập trung sản xuất trong cùng cụm công nghiệp, nên nhu cầu mặt bằng cụm công nghiệp, khu công nghiệp của ngành là cần thiết. Các DN Việt Nam thường nhỏ và thiếu sự hỗ trợ trong giai đoạn đầu phát triển, điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.
Tôi có hai ý kiến về việc phát triển ngành công nghiệp. Thứ nhất là việc liên kết ngành, thứ hai là các giải pháp hỗ trợ đào tạo nhân lực bao gồm mặt bằng, là các giải pháp hỗ trợ đào tạo nhân lực, công nghệ mặt bằng sản xuất, và vốn. Nếu chúng ta khéo léo kết hợp giữa liên kết ngành với việc đào tạo và chuyển giao công nghệ, cũng như hỗ trợ vốn, thì sẽ đạt được kết quả tốt. Hiện tại, cách tiếp cận cũng đã khác so với trước đây. Trước kia, chúng ta chọn người thắng cuộc và hỗ trợ họ ngay từ đầu. Còn bây giờ, chúng ta hỗ trợ những người đã chứng tỏ được sự tiên tiến, sáng tạo và có kết quả tốt. Cách tiếp cận này mang lại hiệu quả cao hơn.
Hiện, chúng ta đang xây dựng luật về công nghiệp trọng điểm, trong đó bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực như cơ khí và công nghiệp nền tảng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật đã bắt đầu hơn một năm nay mà vẫn còn nhiều tranh cãi.
* Có bề dày hơn 36 năm phát triển, Công ty Việt Thắng Jean của ông đã áp dụng những chiến lược nào để tạo ra giá trị cho khách hàng và phát triển bền vững?
– Thành lập từ năm 1988, công ty chúng tôi chuyên sản xuất denim và non – denim trong ngành may mặc tại TP.HCM. Sau hơn 36 năm phát triển, chúng tôi đã tập trung vào lĩnh vực thời trang với nhãn hàng riêng là VITAJEANS và V-Sixtyfour cho thị trường Việt Nam.
Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất để làm hài lòng khách hàng, từ đó họ sẵn sàng trả giá cao. Tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chi phí và gia tăng hiệu suất để giảm rủi ro trong nền kinh tế thị trường xuất khẩu hiện nay đang bất ổn. Đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu cho cả xuất khẩu và nội địa, tạo ra sự khác biệt của một thương hiệu mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn đầu tư nghiên cứu và phát triển để duy trì sự sáng tạo và cạnh tranh và chú trọng quản lý rủi ro tiềm ẩn và phát triển kế hoạch giảm thiểu và quản lý rủi ro tốt nhất để bảo vệ giá trị của DN.
* Giai đoạn nào là thuận lợi và giai đoạn nào là khó khăn nhất trong hoạt động của DN của ông từ năm 1988 đến nay?
– Giai đoạn từ 1988-1993 là thời gian khó khăn do thiếu nguyên liệu, máy móc và con người, nhưng chúng tôi đã cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Từ năm 1994, khi quan hệ với Mỹ được bình thường hóa, chúng tôi mở rộng thị trường xuất khẩu và được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn vào cuối những năm 1990 do hàng giả từ Trung Quốc và Hồng Kông tràn vào thị trường nội địa. Gần đây, dịch Covid- 19 và xung đột quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu. Dù vậy, chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng và đang phục hồi.
* Trong tình huống đó, chiến lược thích ứng với những biến động và thay đổi này như thế nào?
– Chúng tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn từ năm 2012 đến 2016 khi chuẩn bị tiến vào thị trường EU thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chúng tôi đã thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu về môi trường và chất lượng sản phẩm. Từ năm 2016 đến 2019, chúng tôi đã đầu tư công nghệ 4.0 để duy trì và phát triển. Đó là quyết định sáng suốt giúp chúng tôi tồn tại và phát triển đến nay.
* Theo cảm nhận của ông, việc hợp tác giữa các DN trong ngành may mặc của TP.HCM hiện như thế nào?
– Trong những năm đầu, việc hợp tác gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn nguồn cung và sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, hiện nay, các DN đã bắt đầu liên kết và chia sẻ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng tôi đã thành lập các chuỗi cung ứng và kết hợp với nhau để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí để phát triển chung nên cần có một quy chế minh bạch và một hệ thống kinh phí rõ ràng để thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển.
* Nhà nước đã hỗ trợ gì cho ngành may mặc trong những năm qua, thưa ông?
– Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai còn chậm, làm mất cơ hội chuyển đổi và phát triển công nghệ cao. Chúng tôi cần sự hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và các chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh. Nhà nước cũng nên có các chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn và thất bại.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong ngành, chúng tôi cũng cần một trung tâm tập trung các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, và đào tạo để nâng tầm ngành thời trang Việt Nam. Nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước, chúng tôi có thể thực hiện điều này trong vòng 3-5 năm.
* Chính sách hiện tại của Nhà nước đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của DN?
– Chính sách hiện tại của Nhà nước đã hỗ trợ và đáp ứng khoảng 50-70% nhu cầu của DN. Còn lại khoảng hơn 30% DN nhỏ thì chưa được hỗ trợ. Chúng tôi cần sự lắng nghe và hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước để phát triển bền vững.