Bức thư của Bác Hồ và sứ mệnh của cộng đồng Doanh nhân Việt trong kỷ nguyên mới

Người cộng sản đầu tiên nhận ra sức mạnh của giới công thương Việt Nam

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng từ “doanh nhân” như ngày nay mà gọi đó là “giai cấp tư sản dân tộc”, “các nhà công thương” hay “các nhà giàu có”.

Trong bức thư, qua việc khen ngợi các nhà công thương tham gia “Công – Thương cứu quốc đoàn”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh. Những lời nói chân thành, sâu sắc của của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy trong giới công thương tinh thần dân tộc, thúc đẩy họ nhiệt thành hưởng ứng Tuần lễ vàng để giúp Nhà nước cách mạng non trẻ vượt qua khó khăn trầm trọng về tài chính và sau đó tích cực tham gia, ủng hộ kháng chiến.

co-minh-tuyet.jpg
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết cho rằng Lá thư của Bác Hồ gửi giới Công thương có giá trị bền vững. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên nhận ra sức mạnh của giới công thương Việt Nam và chủ động liên kết với họ, khích lệ họ phát huy tiềm năng mọi mặt của mình để cống hiến cho cách mạng, nhân dân và đất nước.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books cho biết, ông đọc cuốn sách Biên niên sử Hồ Chí Minh, ghi lại từng hoạt động của Người trong những năm tháng lịch sử hào hùng 1945 và cảm nhận hết được giai đoạn lịch sử của nước nhà với mục tiêu độc lập cho dân tộc rất lớn lao. Chỉ mới tuyên bố độc lập được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục có các cuộc gặp, họp bàn về những vấn đề của đất nước trong đó có vấn đề then chốt là kinh tế.

Độc lập dân tộc không thể chỉ có bằng giành chính quyền, bằng ngoại giao hay quân sự, mà nền độc lập muốn duy trì bền vững, còn phải nhờ vào mặt trận kinh tế. Một quốc gia, một dân tộc thực sự độc lập khi quốc gia đó, dân tộc đó có nền tảng kinh tế và tri thức vững chắc, chính quyền lo được cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, và để làm được như vậy không thể thiếu tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp.

Bức thư không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công – thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công – thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh.

“Bằng bức thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ khuyến khích giới công thương tham gia vào công cuộc kiến quốc thông qua việc xây dựng nền kinh tế và tài chính vững mạnh, khích lệ họ tham gia tích cực vào phong trào yêu nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm với dân tộc và đất nước”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói.

20 năm tái lập địa vị của doanh nhân hiện đại

Theo Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư, gần 80 năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm.

Trải qua nhiều thăng trầm, Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã đánh dấu sự “hồi sinh” của đội ngũ doanh nhân Việt.

nguyen-canh-binh.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Bình đọc cuốn sách Biên niên sử Hồ Chí Minh và thấu hiểu hơn giai đoạn thăng trầm của nước nhà.

Dù chưa thực sự xác định địa vị và tư cách nhưng kể từ thập niên 1990, doanh nhân đã có “không gian” và môi trường để hình thành, phát triển. Cả Chính phủ và người dân nhận ra rằng, không thể không có tầng lớp doanh nhân. Lại một lần nữa, tinh thần như trong bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặt ra: Doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế và quá trình kiến thiết nước nhà.

Trong quyết định 990/AD ngày 20/9/2004 công nhận Ngày Doanh nhân Việt Nam, có đoạn ghi “Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.”

Như vậy, Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của giới công thương trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và thịnh vượng, yếu tố cơ bản để đảm bảo nền độc lập của quốc gia. Tinh thần giới Công thương đồng hành với quốc gia lại được thể hiện một lần nữa và các doanh nhân không chỉ khuyến khích tập trung vào lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.


Doanh nhân và vai trò xung kích của nền kinh tế hiện nay

Nói về ý nghĩa của bức thư gửi giới công thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị bền vững. Những câu nói của Người ra đời trong một thời điểm cụ thể vẫn có giá trị muôn đời”.

nha-may-dien-bo-ho.jpg
Bác Hồ thăm Nhà máy Điện Bờ Hồ năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Trong giai đoạn hiện nay, lời nhắn nhủ giới công thương “đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân” có giá trị thức dậy trong giới doanh nhân tinh thần dân tộc, khát vọng kinh doanh để làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương, đất nước.

Việc Bác Hồ khẳng định “việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” giúp giới doanh nhân ý thức rõ hơn về mối quan hệ không thể tách rời giữa lợi ích cá nhân và lợi ích dân tộc.

Lời cam kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư, rằng “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này” còn có giá trị gợi mở để Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược lâu dài về giới doanh nhân và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm giàu chính đáng theo tinh thần “Dân giàu, nước mạnh” và góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong chặng đường hơn 20 năm đổi mới, Doanh nhân Việt Nam đã trở thành một lực lượng đông đảo và là bộ phận then chốt của nền kinh tế.

Mới đây, trong bài phát biểu tại Đại học Columbia sáng ngày 23/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục đổi mới, hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết ‘sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước.

Kỷ nguyên mới mở ra

Cũng sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế và tầm vóc của quốc gia, dân tộc đã lớn lao hơn rất nhiều, quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới.

Ngày nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia; quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là một thành tựu thực sự phi thường và đặt những viên gạch đầu tiên để một kỷ nguyên mới được mở ra và dân tộc hướng đến.

bac-ho-voi-gioi-cong-thuong.jpg
Bác Hồ thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội, ngày 19/12/1963. Ảnh: Tư liệu.

Tháng 10 năm 2023, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, khi quy định “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trước đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành, khẳng định rõ vai trò của kinh tế tư nhân.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp nối với Nghị quyết Doanh nhân ngày 10/10/2023 và tầm nhìn về kỷ nguyên mới cho đất nước, cũng chính là cho cộng đồng Doanh nhân hướng đến: những doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới, những doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.

Hiện nay, việc xây dựng một nền kinh tế phát triển đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ xã hội, không chỉ giới doanh nhân mà cả các ngành khác như nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục, khoa học công nghệ. Chính phủ cần tạo điều kiện để khuyến khích sự đổi mới và khởi nghiệp từ tất cả các tầng lớp, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các tập đoàn lớn, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh công bằng.

“Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Đó chính là một trong những công cụ vững chắc nhất góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”, Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình bày tỏ quan điểm.

Ngày 20.9.2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *