Chiều 18/11, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, hai trong ba người Thụy Sĩ từng treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969.
“Động cơ” mạnh mẽ từ lương tâm chính trị
Câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, ngày 18/1/1969. Khi đó, Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục, Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux, người Thuỵ Sĩ (25 tuổi) khi ấy là sinh viên vật lý. Họ cũng là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó, tại Việt Nam.
Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Lausane nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris sẽ là một sự kiện đáng để “ăn mừng”, vì điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau 9 năm thành lập. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn một địa điểm cao, một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.
Với kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard leo lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất. Mọi việc diễn ra trong vòng 30 tiếng đồng hồ. Họ trở về nhà an toàn và không quên tạt qua trụ sở nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình.
Chuyện xảy ra ngày 19/1/1969, tức đêm hôm trước ngày Nixon nhậm chức tổng thống và 6 ngày trước khi hội nghị bốn bên họp tại Paris.
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nền trời xanh, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch. Sự kiện đã trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác vào thời điểm ấy.
Là một nhà báo có mặt tại Paris trong thời khắc vô cùng ý nghĩa đó, GS-TS. Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông chia sẻ rằng, buổi sáng khi biết tin lá cờ của Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp cao nhất của nhà thờ, ông rất xúc động và sử dụng máy ảnh để chụp lại.
“Cầm chiếc máy ảnh nhỏ mà tay tôi không ngừng run vì xúc động. Mặc dù lúc đó không biết là ai treo lá cờ, nhưng đánh giá hành động cao cả và anh hùng. Đây là lời hiệu triệu cả thế giới chống chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là lời ủng hộ thiết thực nhất cho chúng ta vào thời điểm bấy giờ…”, GS-TS. Trình Quang Phú nói.
Không ai biết những người đó là ai mãi cho đến năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, danh tính của nhóm người treo cờ được công khai qua cuốn sách với tựa đề “Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame” (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) do chính họ xuất bản. Cuốn sách đã kể lại câu chuyện với cảm xúc trọn vẹn và hồi hộp về hành động can trường mà họ đã thực hiện khi còn là những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi.
Khi được hỏi về động lực để thực hiện một hành động mạo hiểm như vậy, hai ông cho rằng: “Có rất nhiều “động cơ”. Trong đó, “động cơ” lớn nhất được hình thành từ lương tâm chính trị của chúng tôi vào thời điểm cả ba người còn rất trẻ, những năm của thập niên 60…”, ông Olivier Parriaux bồi hồi.
Một cuộc “đấu tranh” khác sau hơn 50 năm…
Sau hơn nửa thế kỷ, hai trong số ba người đã từng tham gia treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà có mặt tại TP.HCM và chia sẻ cụ thể tình cảm, câu chuyện của mình đối với đất nước mà họ từng có hành động dũng cảm để ủng hộ hòa bình.
Chuyến thăm lần này, hai ông còn thăm quan nhiều di tích của Thành phố như Bảo tàng chứng tích chiến trang, Làng Hòa bình (Bệnh viện Từ Dũ) – nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho các trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam (dioxin)…
Ông Olivier Parriaux cho biết, khi đến đó, hai ông nhận ra rằng “chiến tranh” ở Việt Nam chưa thực sự chấm dứt hoàn toàn. Bởi, còn hàng tấn bom đạn còn chưa nổ, có thể đe doạ tính mạng của con người. Đặc biệt, sự khủng khiếp nhất là chất độc màu da cam vẫn còn đó những tàn dư đau đớn.
“Những điều chứng kiến tận mắt càng khiến chúng tôi phẫn nộ. Gần đây, chúng tôi quyết định bước vào một cuộc đấu tranh khác, đó là đồng hành trong cuộc đấu tranh pháp lý của bà Trần Tố Nga chống lại các tập đoàn sản xuất hóa chất”, ông Olivier cho biết.
Chuyến thăm của hai “người bạn” Thuỵ Sĩ càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Là khoảnh khắc để nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử.