TP.HCM huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ

Theo đó, TP.HCM phân cấp quản lý chợ trên địa bàn Thành phố cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định hiện hành; chỉ đạo UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện rà soát, công bố việc phân hạng, phân loại chợ.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2025 – 2030. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp và giải pháp xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố nhằm huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ.

Mặt khác, quy định về việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ. Quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát.

danh-sach-cac-cho-tai-tphcm.jpg
TP.HCM huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ

Bên cạnh đó, rà soát, nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc trên địa bàn theo quy định. Ban hành quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ với các nội dung chính theo Phụ lục II Nghị định số 60/2024/NĐ-CP; nội quy chợ (mẫu) với các nội dung chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP.


Đồng thời, UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý. Song song đó, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện có 233 chợ truyền thống (224 chợ đang hoạt động). Lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 – 65% tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố.

Dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống: Giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.

Trong đó, đặc biệt đối với hệ thống chợ truyền thống tại khu vực nội thành hiện hữu và phát triển 2 với định hướng cụ thể: Hạn chế phát triển mới chợ ở khu vực nội thành, việc phát triển mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu bố trí tiểu thương của các chợ di dời, giải tỏa. Tập trung thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.

Thành phố cũng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ, hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *