Đi lao động nước ngoài góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 8/11, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước. Hàng nghìn cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn cho người lao động. 

PHẦN LỚN LAO ĐỘNG VỀ NƯỚC ĐÃ TÌM ĐƯỢC VIỆC LÀM PHÙ HỢP

Tham dự và phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, nhấn mạnh việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Mục đích nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống sau khi về nước, tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước. Đồng thời, cũng giúp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản có thể tuyển được những người lao động phù hợp với yêu cầu công việc.

“Đây cũng là hướng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng ở nước ngoài, khi trở về sẽ tham gia vào thị trường lao động trong nước, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.

Theo Thứ trưởng, trong suốt hơn 12 năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức gần 90 hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm, thu hút sự tham gia tuyển dụng của gần 2.000 doanh nghiệp với nhiều vị trí tuyển dụng phù hợp với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tác phong làm việc chuyên nghiệp mà người lao động đã trau dồi, tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Qua đó, đã kết nối, tư vấn được cho trên 17.000 lượt người lao động.

“Thông qua đó, phần lớn người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước đã tìm kiếm được việc làm phù hợp. Nhiều người đã khởi nghiệp thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay.

Khai mạc ngày hội việc làm.
Khai mạc ngày hội việc làm.

Từ thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam, ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất, Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết gần đây số lượng người Việt Nam sinh sống là làm việc tại Nhật Bản đã tăng lên rất nhanh. Tính đến tháng 6 năm nay, con số này đã lần đầu tiên vượt quá 600.000 người. “Đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản”, ông Ishii Chikahisa nói.

Ngoài ra, theo Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổ chức Di cư quốc tế công bố cuối tháng trước, năm qua có trên 80.000 người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Cùng với số lao động Việt Nam sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), số lao động Việt Nam tại Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động ra nước ngoài làm việc.

“Chính phủ Nhật Bản và Đại sứ quán sẽ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường giúp Nhật Bản trở thành đất nước thu hút người lao động Việt Nam lựa chọn. Người Việt Nam cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc tại đây”, ông Ishii Chikahisa chia sẻ.

Theo ông, việc thiết lập chế độ việc làm để phát triển kỹ năng vào tháng 6 năm nay, tiến tới thay thế chế độ thực tập sinh kỹ năng, nhằm bảo vệ nhân quyền và cải thiện hơn nữa quyền lợi của người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản là nội dung nhất quán của chính sách nêu trên.

Về phía Hàn Quốc, ông Baek Seok Hyun, Tùy viên Lao động và việc làm, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết hiện nay hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc liên tục tăng trong những năm gần đây. Trước đây chỉ khoảng 60.000 mỗi năm cho cả 16 quốc gia.

Những năm gần đây tăng lên 110.000 người, và hiện là 165.000 người. Hạn ngạch cho lao động Việt Nam vì thế cũng được điều chỉnh theo. “Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao công sức đóng góp của lao động Việt Nam cho sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc”, ông Baek Seok Hyun nhấn mạnh.

CHÚ TRỌNG TẠO VIỆC LÀM ĐỂ KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI LAO ĐỘNG YÊN TÂM HỒI HƯƠNG

Là đơn vị được giao thực hiện các chương trình phái cử lao động, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết đến nay sau 20 năm, đã đưa được trên 150.000 người. Trong đó, khoảng 140.000 người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; gần 9.000 lượt lao động sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan. Hằng năm, có khoảng 7.000 người hết hạn hợp đồng lao động về nước.

Theo ông Hồng, để khai thác được nguồn lao động đã được trang bị kỹ năng, kỹ thuật, kinh nghiệm và có ý thức, tác phong công nghiệp này, việc tổ chức thường niên các hội chợ việc làm để giúp người lao động chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết hiệu quả mạng lưới lao động hồi hương lập nghiệp thành công.

Nhiều cơ hội việc làm được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay tại ngày hội cho người lao động. 
Nhiều cơ hội việc làm được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay tại ngày hội cho người lao động. 

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, khẳng định cùng với việc nỗ lực giải quyết việc làm trong nước, TP. Hà Nội cũng chú trọng giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong đó, việc triển khai chương trình đưa người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan đã mang mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội cho người lao động.

Ông Nam thông tin, sau khi kết thúc 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, gần 8.000 lượt lao động trở về nước đã trở thành nguồn lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

“Việc tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lực lượng này góp phần cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho thị trường lao động, giúp người lao động tiếp cận với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng, giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài”, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.

Thống kê từ năm 2020 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức 4 hội chợ việc làm, thu hút sự tham gia của 222 lượt doanh nghiệp với 18.565 chỉ tiêu tuyển dụng. Qua đó, đã cung cấp thông tin, tư vấn việc làm cho gần 6.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động EPS và thực tập sinh IM Japan.

 

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hội chợ năm nay có sự tham gia của 45 doanh nghiệp với 1.337 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó có 19 đơn vị có vốn đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản với các vị trí tuyển dụng như: Quản lý sản xuất, quản lý phân xưởng, kỹ sư giám sát phân xưởng, biên – phiên dịch, công nhân sản xuất điện tử, nhân viên kỹ thuật cơ khí, công nhân vận hành máy…

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với nhu cầu tuyển dụng đa dạng, cùng mức lương hấp dẫn, từ 5 đến trên 15 triệu đồng, hoàn toàn phù hợp cho đối lượng lao động những người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *