Đại biểu Quốc hội: Cho vay chứng khoán 230.000 tỷ, cần quản lý tương tự như thông tin tín dụng của ngân hàng

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Với Luật chứng khoán, Đại biểu Đỗ Đức Hiển – TP Hồ Chí Minh cho ý kiến về giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu của người lao động, khoản 5 và khoản 6 của Điều 36 Luật Chứng khoán hiện hành quy định về việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình thì phải giảm vốn điều lệ. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy quy định này phát sinh nhiều thủ tục và gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Thứ nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thường có chủ trương phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Đồng thời, theo thông lệ những cổ phiếu này sẽ được doanh nghiệp mua lại trong một số trường hợp như người lao động nghỉ việc trước thời hạn hoặc vi phạm quy chế phát hành.

Như vậy, việc mua lại cổ phiếu của người lao động là ngoài ý muốn của doanh nghiệp, nhưng khi mua lại cổ phiếu để bảo đảm công bằng cho người lao động và bảo đảm phù hợp với quy định thì doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ trong khi doanh nghiệp không có chủ trương này.

Thứ hai là do phải thực hiện giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện việc mua lại cổ phiếu của người lao động, doanh nghiệp phải báo cáo đại hội đồng cổ đông thường niên để được thông qua việc giảm vốn điều lệ và phải làm các thủ tục giảm vốn điều lệ như ghi giảm vốn điều lệ trong báo cáo tài chính, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thậm chí có trường hợp làm cho tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng vượt quá mức cho phép.

Thứ ba, đối với cơ quan quản lý, giám sát thì phải có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp, phải giám sát việc mua cổ phiếu, giảm vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định và được đại hội đồng thông qua. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cắt giảm các thủ tục, chi phí tuân thủ không cần thiết theo đúng chủ trương cải cách hành chính.

“Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 36 của Luật Chứng khoán theo hướng không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp”, Đại biểu Hiển nhấn mạnh. 

Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu TP Hà Nội nhấn mạnh sửa đổi Luật Chứng khoán là rất cần thiết. Khi thị trường chứng khoán an toàn thì đây là một kênh để chia lửa cho thị trường tín dụng. Bởi vì, tỷ trọng tín dụng trên GDP của chúng ta đã là một trong những nước cao nhất thế giới.

Theo báo cáo gần nhất, số liệu thống kê gần nhất, đối với thị trường chứng khoán cho vay đã lên đến 230.000 tỷ và chỗ này đòi hỏi có những quản lý mới, đặc biệt cần áp dụng tương tự như hệ thống ngân hàng là có phòng thông tin tín dụng.

Hiện nay các khách hàng tham gia vay ký quỹ các thứ ở rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau và một chứng khoán có thể được cầm cố tại rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau và có thể trong trường hợp cần phải xử lý chứng khoán đó dẫn đến rủi ro.

Vì vậy, các công ty chứng khoán cần có những thông tin liên quan tương tự như thông tin tín dụng. Điều này nên giao quyền cho Bộ Tài chính có thể thiết lập bộ phận này để đảm bảo tính minh bạch và các công ty chứng khoán có thể dựa trên đó để nắm được thông tin, quản lý rủi ro của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *