Tiên phong trong phong trào “Nhà Nho đi buôn” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Lập hãng buôn để lo cho Đông Kinh Nghĩa Thục

Vào thời điểm Trường Đông Kinh Nghĩa Thục phát triển mạnh đã dẫn đến chi phí duy trì hoạt động của trường ngày càng tăng. Do là ngôi trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam thành lập dựa trên số tiền được quyên góp từ những nhà hảo tâm, gia đình học viên và từ số vốn ban đầu của ban lãnh đạo trường nên khi số lượng học viên ngày càng tăng, vấn đề tài chính gặp nhiều khó khăn.

Phá bỏ não trạng khinh thường công, thương

Học giả Nguyễn Hiến Lê có đề cập như sau: “Các cụ thiếu kinh nghiệm, thiếu tổ chức, không dự tính số thu và số chi cho từng khoản, đã không bắt hội viên đóng nguyệt liễm, học sinh đóng học phí, mà thấy việc gì nên làm cũng không từ nan, thành thử số thu mỗi ngày một giảm mà số chi mỗi ngày một tăng, nào tiền mướn nhà, tiền đóng bàn ghế, tiền giấy mực cho giáo sư và cả học sinh, tiền cơm buổi trưa cho mấy chục người ăn, tiền khắc bản gỗ, in sách và tiền giúp thanh niên xuất dương nữa. Như vậy nền tài chính làm sao vững được và sáu bảy tháng sau khi trường mở cửa, quỹ đã gần cạn”.

doanh-nhan-xua_pho-hang-bo-noi-cu-nguyen-quyen-mo-hang-buon-hong-tan-hung-nguon-wordpress.com-.jpg
Phố Hàng Bồ, nơi cụ Nguyễn Quyền mở hãng buôn Hồng Tân Hưng

Trước vấn đề chi phí duy trì hoạt động của trường ngày càng tăng, ban lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục đã nghĩ đến việc mở hiệu buôn và xưởng máy để kiếm lời giúp quỹ trường. Nhưng do ban lãnh đạo trường không đủ tiền để tổ chức những cơ sở đó, nên chỉ khuyên hội viên ai có vốn thì đứng ra kinh doanh, rồi nếu có lời, tùy ý giúp trường bao nhiêu cũng được. Cũng từ đó, Đông Kinh Nghĩa Thục phát động phong trào “Nhà nho đi buôn” với mục tiêu gây dựng tài chính giúp đỡ cho sự phát triển của Đông Kinh Nghĩa Thục và còn làm thay đổi nhận thức của giới sĩ phu nho học đương thời về việc kinh doanh, phá bỏ được cái tục khinh thường giới công, thương từ mấy nghìn năm truyền lại.

Cùng với Hoàng Tăng Bí, cụ Nguyễn Quyền đã đứng ra thành lập hãng buôn Hồng Tân Hưng tại phố Hàng Bồ, chuyên buôn bán hàng công nghệ nội hóa với mục đích tự cường kinh tế và cạnh tranh với các hãng buôn ngoại quốc, đồng thời gây quỹ hoạt động cho nghĩa thục và mở rộng phong trào Duy tân. Cái tên Hồng Tân Hưng có nghĩa là “Hồng Lạc mới dấy lên” thể hiện lòng yêu nước cũng như hoài bão chấn hưng dân tộc của Nguyễn Quyền và đồng sự. Hãng Hồng Tân Hưng cũng là nơi liên lạc, gặp gỡ của những người yêu nước.

Theo ghi chép của nhà văn Đào Trinh Nhất khi gặp cụ Nguyễn Quyền vào năm 1938, mục đích thành lập hãng buôn Hồng Tân Hưng được cụ Huấn Quyền cho biết: “Chúng tôi lấy chấn hưng nội hóa và công nghệ làm mục đích, thứ sản vật chế tạo là của trong nước, chúng tôi có đủ hết, lần hồi muốn mở mang cho được xuất cảng lớn lao, chớ không phải vừa. Thương gia lớn nhỏ các tỉnh nghe tiếng, họ tới Hồng Tân Hưng mua hàng tấp nập tối ngày. Có bữa bán được đôi ba ngàn, hôm nào ế lắm cũng bốn năm trăm. Chúng tôi vui lòng phấn chi hết sức”.

Cùng với Đông Thành Xương của Hoàng Tăng Bí, Hồng Tân Hưng của Nguyễn Quyền trở thành ngọn cờ đầu đưa phong trào nhà nho đi buôn nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Nhiều sĩ phu đương thời đã hùn vốn lập công ty, lập hiệu buôn, khách sạn và nhà hàng trên khắp cả nước. Ví dụ như ở hiệu buôn Sơn Thọ của cụ Nguyễn Trác ở Phú Thọ, hiệu buôn Phúc Lợi Tế của cụ Tùng Hương ở tỉnh Phúc Yên, ở Sài Gòn có Chiêu Nam Lầu của cụ Nguyễn An Khương, ở Mỹ Tho có Minh Tân khách sạn của cụ Huỳnh Đình Điển, ở Long Xuyên có hiệu buôn Tân Hợp Long của cụ Hồ Nhật Tân…


Bị giam lỏng vẫn quyên tiền giúp phong trào Đông du

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã khiến chính quyền thực dân hoang mang, lo sợ. Tháng 11/1907, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và cấm hoạt động vĩnh viễn. Cụ Huấn Quyền bị Thống sứ Bắc Kỳ ép buộc phải trở về đảm nhận chức Giáo thụ huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ nhưng không lâu sau thì cụ lại xin từ chức.

Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (tháng 6/1908) khiến thực dân Pháp kinh hãi, cụ Huấn Quyền bị cho là có can dự tích cực vào sự kiện này nên bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Đến năm 1909, chính quyền thực dân kết án chung thân khổ sai và đày cụ Huấn Quyền ra Côn Đảo.

Tuy nhiên, năm 1910, cụ Nguyễn Quyền được tha nhưng bị cho an trí tại Bến Tre cùng với một số chí sĩ yêu nước khác như Dương Bá Trạc – bị an trí ở Long Xuyên, Võ Hoành – bị an trí ở Sa Đéc, Phan Châu Trinh – bị an trí ở Mỹ Tho, Hoàng Tăng Bí – bị an trí ở Huế… Mặc dù bị giam lỏng và bị chính quyền thực dân theo dõi gắt gao nhưng cụ Huấn Quyền vẫn tìm cách bí mật liên lạc với những nhà yêu nước trong vùng lục tỉnh Nam Kỳ. Cụ cho mở một tiệm may tại thị xã Bến Tre để làm nơi liên lạc, trao đổi hợp pháp với bên ngoài, đồng thời tích cực vận động quần chúng đóng góp tiền của, gửi sang Nhật Bản giúp Phan Bội Châu tiến hành phong trào Đông Du.

Đến năm 1916, do sự khai báo của cơ sở, cụ Huấn Quyền bị Sở Mật thám Sài Gòn gọi lên truy hỏi, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội nên thực dân Pháp đành phải thả cụ về lại Bến Tre. Năm 1920, cụ Nguyễn Quyền chuyển qua sống ở Rạch Giá, Sa Đéc, nhưng không lâu sau lại về sống tại Bến Tre với gia đình. Năm 1935, hai cụ Nguyễn Quyền và Võ Hoành kết làm thông gia. Con trai cụ Nguyễn Quyền là Nguyễn Văn Hoàng cưới con gái cụ Võ Hoành là Phạm Thị Thạch ở Sa Đéc.

Năm 1939, cụ Nguyễn Quyền lại lui về sống ở Sa Đéc, một phần vì muốn gần cụ Võ Hoành, vừa là đồng chí, vừa là sui gia, một phần muốn được làm điều gì đó có ích trong những năm còn lại của đời mình. Trong những năm cuối đời, cụ Nguyễn Quyền còn làm thêm nghề bốc thuốc, vừa là để kiếm sống vừa để phần nào có thể chữa bệnh giúp dân.

Cụ Nguyễn Quyền từ trần vào 12 giờ đêm ngày 18/7/1941 do bệnh tật, hưởng thọ 72 tuổi. Trước khi mất, cụ Huấn Quyền đã đọc cho ông Ba Biện, một đồng chí của ông ở Cao Lãnh lời chúc ngôn như sau:

“Tôi để sức vào quốc gia, gần hơn 40 năm, từ Bắc chí Nam bôn tẩu khó khăn, mục đích chỉ cầu cho thiên hạ hòa bình, vạn dân an lạc. Nay tôi chẳng may nửa đường mất đi, từ đây về sau, phàm đồng bào chúng ta nên thận trọng bước đường tới, chớ nghĩ đến tôi, thế là ý nguyện của tôi đủ lắm rồi!”.

Mộ phần của cụ Nguyễn Quyền được đặt tại ở làng Tân Xuân, Sa Đéc nay thuộc xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

“Phàm đồng bào chúng ta nên thận trọng bước đường tới, chớ nghĩ đến tôi, thế là ý nguyện của tôi đủ lắm rồi!”.
Chúc ngôn của cụ Nguyễn Quyền trước mất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *