Kế thừa, phát huy truyền thống
Ông Phạm Phú Trường – Phó chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh GIBC là con trai của doanh nhanổi tiếng Phạm Phú Ngọc Trai – Cựu chủ tịch PepsiCo Đông Dương chia sẻ: “Điều lớn nhất tôi học được từ cha mình là kinh doanh nhưng phải lấy đạo đức làm trọng. Khi hợp tác làm ăn với ai phải trên tinh thần “win-win” chứ không thể mình được mà người khác mất. Đó cũng chính là quan điểm kinh doanh của tôi từ thời bắt đầu lập nghiệp đến giờ”.
Là cháu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) đã học được nhiều từ người chú Trương Gia Bình nhưng không bị áp lực về nghề nghiệp vì trong gia đình lớn, sở thích và đam mê của mỗi cá nhân rất được tôn trọng. Ông Bảo tâm sự: “Gia đình chúng tôi luôn quan tâm đến yếu tố bền vững. Những cá nhân trong gia đình được phát triển theo cách tốt và phù hợp nhất, dù khác ngành nghề và không làm việc cùng trong một quốc gia. Tôi đam mê công nghệ và robot. Rất may mắn là gia đình có công ty trong lĩnh vực này là điều kiện thuận lợi để tôi học tập và phát huy khả năng”.
Vợ ông là bà Trần Thị Đan Thanh – Giám đốc Điều hành MVOT lại càng thuận lợi hơn trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Bà cho biết, làm dâu trong một gia đình có truyền thống kinh doanh và lãnh đạo là đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị. Điều đó giúp người phụ nữ trang bị được nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết, đồng thời giữ vững tinh thần lạc quan và kiên trì để thành công và khẳng định vị trí.
Cùng nỗ lực “vượt sóng”
Bà Đan Thanh cho biết: “Cùng làm kinh doanh nên vợ chồng chúng tôi luôn hỗ trợ nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn, vượt qua thử thách. Việc san sẻ gánh nặng công việc giúp cả hai giảm bớt áp lực, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bản thân. Chúng tôi bổ sung cho nhau về kỹ năng, kinh nghiệm, nhờ đó đã đưa ra những quyết định kinh doanh hiệu quả. Hình ảnh hai vợ chồng cùng đồng lòng gánh vác công việc sẽ tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác”.
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty May mặc Dony cũng nhờ cùng sở hữu doanh nghiệp nên trung thành và tin cậy lẫn nhau. Cả hai vợ chồng cùng quản lý công việc nên khi gặp khó khăn dễ bàn bạc và cùng nhau vượt qua.
May mắn khi có sự đồng hành của vợ trong việc điều hành Công ty và dạy dỗ con cái, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt khẳng định: “Nhờ sự đồng hành của vợ nên kinh doanh khó mấy vẫn không lùi bước. Công ty đang tiến về phía trước với những kế hoạch táo bạo hơn trong thời gian tới”.
Dĩ nhiên, có những lúc vợ chồng doanh nhân này vì không đủ thời gian quan tâm đến nhau, hoặc đôi khi phải tranh luận vì công việc hoặc có ý kiến trái chiều về một sự việc nào đó nhưng họ lại tìm thấy tiếng nói chung khi về với gia đình. Phụ nữ làm kinh doanh càng áp lực nhưng bằng sự nỗ lực, sắp xếp thời gian hợp lý và sự thấu hiểu từ người thân thì như bà Đan Thanh nói là có thể vừa thành công trong sự nghiệp vừa vun vén hạnh phúc gia đình.
“Để có một gia đình doanh nhân vừa hạnh phúc vừa thành công trong kinh doanh, vợ chồng cần trao đổi thường xuyên, tin tưởng và tôn trọng nhau. Bên cạnh đó, phải thiết lập ranh giới rõ ràng giữa công việc và gia đình, phải sắp xếp thời gian hợp lý, dành thời gian chất lượng cho gia đình”.
Ông Trương Gia Bảo
Cùng sẻ chia
Cân bằng giữa công việc và gia đình là điều rất quan trọng để xây dựng được một gia đình doanh nhân hạnh phúc. Nhưng cân bằng không phải một lúc, một ngày hay một giờ mà phải toàn thời gian. Nhiều doanh nhân cho rằng, nếu trong gia đình, cả hai vợ chồng đều là doanh nhân thì khi người này bận, người kia phải giúp sức. Doanh nhân phải dành thời gian phù hợp cho gia đình để truyền ngọn lửa và giá trị sống cho thế hệ sau.
Theo quan niệm của ông Phú Trường, một gia đình hạnh phúc khi mọi thành viên phải có ích cho xã hội và được xã hội tôn trọng, thực hiện được ý nguyện cống hiến cho xã hội, như con cái đi học phải là thành viên tích cực của trường, làm việc có ý nghĩa, tạo ra giá trị cho cuộc sống xung quanh. Sống có giá trị mới hạnh phúc, và đặt giá trị của mình ở chừng mực vừa phải trong lúc bất bình đẳng giàu nghèo vẫn chưa thể khắc phục.
Ông Bảo cũng chia sẻ: “Để cân bằng cuộc sống, chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp linh hoạt, như phân chia việc nhà (nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái) một cách cụ thể, sắp xếp thời gian làm việc và học tập, hỗ trợ nhau khi cần. Chúng tôi cũng tận dụng công nghệ để quản lý công việc từ xa trong lúc chăm sóc gia đình”.
Và cùng “xả stress”
Bên cạnh sự sẻ chia, sự đồng hành của thành viên trong gia đình, doanh nhân còn xem việc giữ gìn, rèn luyện sức khỏe là không thể thiếu sau những ngày làm việc căng thẳng. Hầu hết doanh nhân đều chọn một môn thể thao phù hợp hay tập thể dục đều đặn để rèn luyện sức khỏe, khỏe cả thân và khoẻ cả tâm. Ông Trương Chí Thiện nói rằng, hai mươi năm nay, mỗi sáng thức dậy, ông đều dành gần hơn nửa giờ đồng hồ cho việc chạy bộ. Ông còn ngồi thiền, đọc sách mỗi ngày.
“ Với tôi, giờ đây ngoài gia đình, sức khỏe là quan trọng nhất. Muốn có sức khỏe phải chơi thể thao, tập thể dục. Nhưng chơi hay tập như thế nào để thân động nhưng tâm phải tĩnh. Bởi doanh nhân dù có cơ thể khỏe mạnh nhưng tâm không an sẽ khó bình tĩnh ứng phó trước những áp lực hay biến cố trong kinh doanh”, ông Chí Thiện chia sẻ.
Nhờ chạy bộ và thiền giúp thân tâm an lạc, ông Nguyễn Quang Anh tâm sự: “Cái gốc tác động không phải là công việc mà chính do cái tâm của mình không bình an. Nhờ một người bạn, tôi tìm đến thiền, từ đó hiểu mình hơn. Tôi hành thiền, chạy bộ, đọc sách và nói chuyện với vợ nhiều hơn. May mắn nữa là hai vợ chồng tôi cùng sở thích nên dễ dàng sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Giờ mọi việc trong công ty và gia đình đều được vợ đồng hành và sẻ chia. Những đợt tôi hay bà xã làm việc với đối tác nước ngoài dài ngày hay những chuyến hành thiền, Công ty vẫn được điều hành, không chồng thì vợ”.