Tại Đại hội, ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, một trong những doanh nhân tiên phong với nhiều sáng kiến nổi bật về vật liệu xây dựng xanh đã được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch HGBA nhiệm kỳ I (2025 – 2030).
Đây không chỉ là sự khẳng định vai trò dẫn dắt của ông Kỳ trong lĩnh vực phát triển xanh, mà còn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM trong hành trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và phát thải thấp.
Việc thành lập HGBA không chỉ đơn thuần là sự ra đời của một hội nghề nghiệp mà là sự cụ thể hóa các cam kết quốc gia về trung hòa carbon, Net Zero 2050, chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), và các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường toàn cầu về chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).

HGBA ra đời với tôn chỉ: kết nối – hỗ trợ – phát triển – lan tỏa, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên trong nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, tiếp cận tài chính xanh và hội nhập tiêu chuẩn quốc tế.
Ban Chấp hành HGBA nhiệm kỳ I gồm 52 thành viên, trong đó có 17 ủy viên Ban Thường vụ và 3 ủy viên Ban Kiểm tra, đại diện cho nhiều lĩnh vực chủ chốt: sản xuất, xây dựng, tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ, truyền thông…
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Trong đó, nhà báo Trần Hoàng – Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành, đảm nhận vai trò cầu nối quan trọng giữa truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp xanh.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, HGBA đặt mục tiêu trở thành tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển xanh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi bền vững.
Chương trình hành động của HGBA nhiệm kỳ đầu tiên (2025 – 2030) bao gồm: Thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn, kiểm toán năng lượng, đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA);
Xây dựng nền tảng Green Business Hub – cổng kết nối số giữa các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư và thị trường;
Tổ chức hội chợ chuyên ngành, diễn đàn phát triển bền vững, kết nối thị trường tiêu dùng xanh;
Thúc đẩy tài chính xanh thông qua hợp tác với ngân hàng, định chế tài chính quốc tế;
Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, xúc tiến thành lập Quỹ đầu tư xanh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi;
Dự kiến trong năm 2025, HGBA sẽ kết nạp 200 hội viên chính thức, từng bước mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh, thành như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Phát biểu tại đại hội, ông Kỳ chia sẻ: “Đây không chỉ là một cột mốc hành chính, mà là sự khởi đầu của một hành trình kiến tạo tương lai xanh, là hành trình mà chúng ta, những doanh nghiệp tiên phong, cùng nhau lan tỏa tinh thần phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông nhấn mạnh thêm: “Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà là mệnh lệnh sống còn của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp”.
Để minh chứng cho điều này, ông Đinh Hồng Kỳ đã dẫn chứng các dữ liệu cụ thể: Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại tương đương 3,2% GDP của Việt Nam năm 2020, và nếu không hành động, đến năm 2050 con số này có thể lên tới 14,5% GDP.
HGBA cam kết không đứng ngoài cuộc, mà là trung tâm kết nối hành động: nơi doanh nghiệp lớn chia sẻ nguồn lực, tri thức và công nghệ với doanh nghiệp nhỏ hơn, cùng nhau hình thành chuỗi cung ứng xanh, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.
Tại tọa đàm chuyên đề “Chuyển đổi xanh giữa biến động toàn cầu”, ông Erick Contreras – Phó Chủ tịch EuroCham bày tỏ sự ủng hộ đối với sự ra đời của HGBA, đồng thời cam kết sẽ đồng hành trong các sáng kiến hợp tác song phương.

“HGBA là đối tác tự nhiên của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong tiến trình thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng từ TP.HCM như một trung tâm của kinh tế xanh khu vực ASEAN”, ông Contreras nhận định.
Ông cũng chỉ ra các thách thức thực tiễn như chi phí xử lý rác, bất cập trong thu gom – phân loại – tái chế chất thải và nhu cầu cấp bách về mô hình kinh tế tuần hoàn.
Số liệu cho thấy, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, riêng TP.HCM và Hà Nội chiếm hơn 38.000 tấn. Trong khi tỷ lệ thu gom đạt hơn 88%, thì phần lớn chất thải vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, gây áp lực lớn lên quỹ đất và môi trường.
Chuyển đổi xanh không thể thành công nếu không có giải pháp tài chính bền vững. HGBA đang nghiên cứu hợp tác cùng các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), IFC, JICA và các quỹ khí hậu khu vực nhằm tạo ra dòng vốn xanh dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Song song, HGBA cũng thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải và nông nghiệp bền vững.
Với sự ra đời của HGBA, một cộng đồng doanh nghiệp năng động, trách nhiệm và sáng tạo đang từng bước hình thành. Không chỉ là nơi hội tụ của những doanh nghiệp đi đầu về công nghệ xanh, sản phẩm sinh thái, HGBA còn là trung tâm phản biện chính sách, truyền cảm hứng thay đổi tư duy quản trị và mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đang yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, việc doanh nghiệp tham gia HGBA chính là bước đi chiến lược để chuẩn bị cho sân chơi toàn cầu.