5 vấn đề sống còn của mô hình đại học khởi nghiệp

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Không chỉ góp phần đáng kể vào GDP, các startup còn tạo ra hàng ngàn việc làm mới, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Amazon, Facebook, Apple, Microsoft, Tesla… với doanh số hàng trăm tỷ USD/năm chính là những doanh nghiệp bắt đầu từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

dhkn.jpg

Để phát triển bền vững, tạo ra được nhiều nhất các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạọ mạnh cả về chất và lượng, thì trường đại học sẽ giữ vai trò then chốt. Thực tế chứng minh, ở những nước tiên tiến trên thế giới có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Israel, Hàn Quốc… có đến 85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học.

Hiện các trường đại học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn đang định hướng theo mô hình đại học truyền thống với hai vai trò chính là đào tạo và nghiên cứu. Để có sự thay đổi đáp ứng mục tiêu trên, chúng ta cần một mô hình giáo dục mới, mang tính đột phá. Đó là Đại học Khởi nghiệp – nơi không chỉ dừng lại ở đào tạo, nghiên cứu mà còn là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn kết với nhiệm vụ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với các trường đang tiến tới xây dựng mô hình khởi nghiệp, cần xác định hướng đi đúng để đảm bảo thực chất, tránh phong trào, tích cực tham khảo những mô hình thành công trên thế giới để áp dụng phù hợp với thực tế tại từng trường. Tuy nhiên, có thể tóm tắt một số vấn đề sau cần triển khai sớm:

1. Xác định chiến lược, lộ trình thực hiện rõ ràng: Mô hình đại học khởi nghiệp yêu cầu các trường cần xác định một chiến lược cụ thể, thông qua việc đưa vào tuyên ngôn, tầm nhìn. Điều này giúp cho trường đại học tránh bị phân tán và có thể tập trung 100% vào những yếu tố cốt lõi của mô hình này. Từ chiến lược, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch. Khi đã có lộ trình chi tiết, các trường có thể phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, tránh lãng phí và đảm bảo rằng từng bước được thực hiện đúng thời điểm, từ đó, chủ động đánh giá tiến trình và điều chỉnh khi cần thiết. Hơn nữa, một kế hoạch chiến lược và lộ trình rõ ràng giúp các trường đại học tạo dựng lòng tin từ các bên liên quan, thu hút sự hỗ trợ về tài chính và nguồn lực.

2. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo phù hợp với định hướng khởi nghiệp. Chú trọng đào tạo văn hoá khởi nghiệp: Việc xây dựng và phát triển trường đại học khởi nghiệp cần những thay đổi từ thực chất, tránh khẩu hiệu – phong trào. Trong đó, các trường cần tập trung vào việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo cho phù hợp mục tiêu mới. Cụ thể: Trong bối cảnh hiện nay, chỉ một môn học không thể tạo dựng được tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo phù hợp định hướng đại học khởi nghiệp, các trường cần hoạch định hướng đi bền vững thông qua việc phát triển chuỗi chương trình đào tạo mà ở đó sẽ truyền tải ý thức, năng lực, văn hoá khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho người học. Áp dụng tư duy thiết kế trong các hoạt động của sinh viên, giảng viên.


3. Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực phù hợp: Để hỗ trợ khởi nghiệp, các trường cần đầu tư vào không gian sáng tạo và các trung tâm vườn ươm khởi nghiệp. Đây là nơi sinh viên và giảng viên, các mentor gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, phát triển dự án và kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, các phòng thí nghiệm nghiên cứu cần nâng cấp phù hợp, trang bị công nghệ tiên tiến cập nhật, giúp thử nghiệm và phát triển sản phẩm dễ dàng hơn.

4. Đẩy mạnh kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Trường đại học khởi nghiệp cần nghĩ đến sự hội tụ của các thành phần của hệ sinh thái ngay trong chính môi trường đại học. Ngoài sự kết nối, trao đổi với các tổ chức bên ngoài, cần tính toán đến cơ chế, nguồn lực để tạo lập các tổ chức độc lập như quỹ đầu tư, doanh nghiệp… trực thuộc trong trường. Điều này sẽ giúp trường chủ động hơn trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp từ ý tưởng đến hiện thực hóa thành dự án thành công. Các tổ chức này còn có thể “đặt đề bài” với các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Khi đó, các ý tưởng sẽ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, giải quyết được các bài toán của xã hội.

5. Đổi mới mọi hoạt động của nhà trường: Thứ nhất, nguồn thu của nhà trường sẽ được bổ sung từ một số nguồn mới thay vì chỉ từ học phí: Thu từ thương mại hóa và chuyển giao công nghệ: mô hình kinh doanh công nghệ mới; Thu từ hình thành và chuyển giao doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và nguồn nhà trường; Thu từ đặt hàng của doanh nghiệp và Thành phố, Quốc gia cho mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới. Thứ hai, cần có cơ chế giảng viên chỉ giảng dạy tối đa 50% thời gian, 50% thời gian sẽ làm việc cho các đề án phát triển mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.

Riêng TP.HCM hiện đang có 58 trường đại học, 42 trường cao đẳng… Nếu việc thí điểm xây dựng và phát triển mô hình đại học khởi nghiệp được triển khai sớm, sẽ tận dụng được hết sức mạnh vốn có từ các cơ sở giáo dục đào tạo. Từ đó, hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng và cả chất lượng, đúng theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị. Tạo ra hiệu quả vô cùng to lớn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của kinh tế quốc gia.

85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học ở những nước tiên tiến như Mỹ, Israel, Hàn Quốc…

(*) Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cao Khánh Hưng (ghi)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *